BÀI THUỐC ÔN LÝ TRỪ HÀN

1.ĐẠI CƯƠNG

1.1.  Định nghịa

Các bài thuốc ôn lý trừ hàn (Ôn tễ) là một loại phuơng tễ, sử dụng những vị thuốc có tính ôn, tính nhiệt làm hưng phấn phần dương khí trong cơ thể con người, trừ hàn tà, điều trị dương suy, lý hàn. Trong Bát pháp thuộc về ôn pháp Hàn phân thành biểu hàn và lý hàn. Biểu hàn cần phái tân ôn, phát hãn, nằm trong phép giải biểu. Lý hàn cần phải sử dụng các bài thuốc ôn lý trừ hàn

1.2. Phân loại

Trên lâm sàng cǎn cứ vào tình trạng, chứng lý hàn có nặng, nhẹ, cấp, hoãn không giống nhau, đồng thời cũng dựa vào mức độ của dương hư khác nhau mà phân thành 2 loại bài thuốc:

– Ôn trung trừ hàn:Là những bài thuốc để điều trị chứng lý hàn, nhưng chưa đến mức độ dương khí suy thoái. Trên lâm sàng thường gặp là hàn ngưng ở trung tiêu tỳ vị làm tỳ vị hư hàn.

– Hồi dương cứu nghịch: Là những bài thuốc để điều trị âm hàn ở bên trong mạnh, kết hợp với dương khí suy nặng hay có hiện tuợng dương khí hư thoát. Những chứng bệnh thuộc loại này tương đối nghiêm trọng cấp diễn mang tính cấp cứu.

1.3. Những chú ý khi sử dụng các bài thuôc trừ hàn

– Âm hàn ở bên trong mạnh để dẫn đến tình trạng huyết trệ, khí ngưng. Trong ôn tễ tính vị của các vị thuốc là tân ôn, nên có thể tuyên tán âm hàn làm huyết hành, khí lưu thông.  Nhưng nếu lý hàn và khí ngưng tưong đối nặng thì trong các bài thuốc trừ hàn tuy trường hợp mà chọn dùng phối ngũ thêm: Ô dược, Hương phụ,Thanh bì, Mộc hương…là những vi thuốc tân ôn hành khí.

– Âm hàn ở bên trong mạnh nên sẽ đưa dương khí đến suy giảm nhiều thậm chí có thể vong dương. Do vậy, dù trong các bài thuốc ôn lý trừ hàn có các vị thuốc  trợ dương hay hồi dương, thì vẫn cần phải gia thêm các vị thuốc như: Nhân sâm, Ngũ vị tử, Long cốt…để tǎng cường tác dụng cố thoát, mới có thể đạt được hiệu quả điều trị

– Tính vị của các vị thuốc trong bài thuốc ôn lý trừ hàn phần lớn là ôn nhiêt, nên dễ làm tổn thương tới âm dịch. Vì vậy, trong sử dụng những bài thuốc này, thì thường phối ngũ với lượng nhỏ thuốc hoà âm như Bạch thược…  để tránh tổn thương âm dịch.

– Phải biện chứng và chẩn đoán chuẩn xác chứng để tránh dùng nhầm các bài thuốc ôn lý trừ hàn.

2.CÁC BÀI THUỐC ÔN LÝ TRỪ HÀN

2.1.Các bài thuốc ôn trung trừ hàn

Các bài thuốc ôn trung trừ hàn thường chỉ định điều trị chứng tỳ vị hư hàn do tỳ vị thuộc về trung tiêu và chủ về vận hoá. Các vị thuốc thường dùng như: Can khương, Ngô thù, Xuyên tiêu.. kết hợp với các vị thuốc kiện tỳ, bổ khí…sau đây, là những bài thuốc cổ phương tiêu biểu

BÀI 1: TIỂU KIẾN TRUNG THANG

(Thương hàn luận)

* Cấu trúc bài thuốc:

Quế chi                 8g              Bạch thược             16g

Chích cam thảo    4g              Sinh khương           3 lát

Đại táo                  5 quả         Di đường                35-70g

*  Cách dùng:Tất cả làm thang sắc uống ngày,1 thang, chia 2 lần.

*  Tác dụng: Ôn dưỡng tỳ vị, thông dương khí, hoà dinh huyết.

*  Chỉ định: Tỳ vị hư hàn dấn đến vị quản thống xoa ấm thì giảm hoặc tâm quý hư phiền không yên.

*  Phân tích bài thuốc:Trong bài thuốc này Bạch thược dùng liều cao, do bởi không chỉ phối hợp với Quế chi đề điều hoà dinh vệ, mà còn có tác dụng sơ can, hoà dinh huyết, để chỉ Phúc thống. Di đường với tính vị cam, ôn và phối ngũ với Cam thảo, Sinh khương làm bài thuốc tǎng thêm tác dụng ôn dưỡng, vì vậy gọi là bài thuốc  “Kiện trung chuyên điều trị tỳ vị hư hàn đưa đến Phúc thống”. Ngoài ra bài thuốc còn có tác dụng ôn thông huyết mạch, thông tâm dương, ích tâm khí, hoà dinh huyết, cho nên có thể điều trị chứng tâm quí và hư phiền do tâm khí bất túc đưa đến. Trong bài Di dường là Quân (Ích khí ôn trung, hoãn cấp, nhuận táo). Bạch thược, Quế chi là Thần. Cam thảo, Sinh khương, Đại táo là Tá.

BÀI 2:LÝ TRUNG THANG

(Thương hàn luận)

*  Cấu trúc bài thuốc:

Nhân sâm (Đẳng sâm)      8-16g              Bạch truật            8-16g

Can khương                      4-8g                Chích cam thao    4-8g

*  Cách dùng:Trước thường dùng dưới dạng hoàn tế với những vị thuốc sao ròn, tán nhỏ thành bột, hoà với lượng mật ong vừa đủ để làm hoàn. Nay dùng dưới dang thang sắc, mỗi ngày uống 1 thang, chia 2 lần.

*  Tác dụng: Ôn trung, trừ hàn, kiện tỳ, bổ khí.

*  Chỉ định: Chứng tỳ vị hư hàn. Người bệnh thường đau bụng, đại tiện phân lỏng nát, nôn mứa, ǎn kém. Miệng không khát, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế trì hoãn.

*  Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc này sử dụng Can khương để trừ hàn (Quân), Bạch truật để kiện tỳ.Sâm bổ khí (Thần), Cam thảo hoà trung Bạch truật táo thấp kiện tỳ (Tá).  Đây là bài thuốc tiêu biểu làm ôn ấm tỳ dương và trợ giúp tiêu hoá. Bài thuốc này gia thêm  Phụ tử chế thì gọi là Phụ tử lý trung thang để điều trị chứng trạng tỳ vị hư hàn tương đối nặng.

BÀI 3: NGÔ THÙ DU THANG

(Thương hàn luận)

* Cấu trúc bài thuốc:

Ngô thù du               4-8g              Nhân sâm (Đảng sâm)      12-16g

Sinh khương             3 lát              Đại táo                              4-6 quả

*  Cách dùng: Mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống chia 2 1ần.

*  Tác dụng: Ôn trung bổ hư, giáng nghịch, chỉ ẩu

*  Chỉ định: Hư hàn ở vị, sau khi ǎn nôn, buồn nôn, vùng thượng vị đầy tức, nuốt chua, đau vùng thượng vị, hoặc nôn khan ra nước dãi, đau đầu, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm trì.

* Phân tích bài thuốc: Ngô thù du có tác dụng ôn trung, tán hàn, giáng nghịch chỉ ẩu và có hiệu quả chỉ thống là chủ dược của bài thuốc. Nhân sâm bổ khí, hoà trung. Sinh khương, Đại táo tán hàn, chỉ ẩu, ích khí, tư tỳ đều là thuốc hỗ trợ. Ngô thù du phối ngũ với sâm có tác dụng ôn trung, bổ hư. Ngô thù du phối hợp với Sinh khương có tác dung ôn trung, chỉ thống, giáng nghịch, chỉ ẩu. Nếu trong hàn còn có thấp, rêu lưỡi trắng nhờn thì bỏ Sâm đi mà gia thêm Bán hạ chế, Trần bì để táo thấp, lý khí, chỉ ẩu. Như vay Ngô thù (Quân), Sâm (Thần), Khương,Táo(Sứ).

BÀI 4: TỨ THẦN HOÀN

(Nội khoa thương yếu)

* Cấu trúc bài thuốc:

Phá cố chỉ             150g             Ngũ vị tử              75g

Nhục đậu khấu      75g              Ngô thù du            40g

Đại táo                  200g             Sinh khưong         300g

*  Cách dùng:Tất cả tán nhỏ thành bột, hoà với nước sắc Sinh khương, quấy thành hồ để làm hoàn. Mỗi lần uống từ 8-12g, mỗi ngày uống 2 lần. Uống khi đói với nước ấm.Cũng có thể dùng dưới dạng thang sắc với liều lượng thích hợp

*  Tác dụng:Ôn bổ tỳ thận, cố sáp chỉ tả.

*  Chỉ định: Tỳ thận hư hàn, dẫn đến cửu tả (ỉa chảy kéo dài) hay ngũ canh tả. Người  bệnh không muốn ǎn, ǎn cũng không tiêu. Đau bụng, tay chân lạnh, tinh thần mệt mỏi, mạch trầm trì, lưỡi nhờn.

* Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc dùng Phá cố chỉ để ôn bổ thận dương làm chủ dược. Trợ giúp có Ngô thù với tác dụng ôn trung tán hàn ôn tỳ thận, sáp trường, chỉ tả (Thần), Nhục đậu khấu và Ngũ vị tử liễm trường, cố thoát. Khương, Táo để điều hoà tỳ vị (Tá,Sứ). Toàn bộ bài thuốc là ôn bổ tỳ thận nhưng lấy bổ thận làm chủ.Trong bài thuốc Ngô thù du và Nhục đậu khấu vừa có tác dụng ôn tán vừa có tác dụng cố sáp nhưng khi phối hợp với Phá cố chỉ và Ngũ vị tử thì mặt cố sáp là chính dùng để điều trị cửu tiết và ngū canh tả thì có hiệu quả.

2.2.Các bài thuốc hồi dương, cứu nghịch

Các bài thuốc này thường dùng trong chứng dương khí suy nhiều, mà âm hàn bên trong mạnh. Các bài thuốc này thường có cấu trúc phối ngũ giữa các vị thuốc ôn tạng phủ trừ hàn như: Phụ tử chế, Can khương, Nhục quế.. và các vị thuốc ích khí cố thoát như: Nhân sâm, Chích cam thảo. Ngoài ra, còn thường phối hợp sử dụng các phương pháp hoá khí, lợi thuỷ hay trấn nạp thận khí. Sau đây là những bài thuốc cổ phương tiêu biểu:

BÀI 1:TỨ NGHỊCH THANG (Thương hàn luận)

* Cấu trúc bài thuốc:

Sinh phụ tử              15g                          Can khương           9g

Chích cam thảo        6g

*Cách dùng:Thường mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống chia 2 lần.

*Tác dụng: Hồi dương cứu nghịch

*Chỉ định: Âm hàn ở bên trong mạnh, dương khí đã suy yếu, tay chân giá lạnh, đi đại tiện phân lỏng nát hoặc ra mồ hôi lạnh, đau bụng, nôn mửa, mạch trầm hay vi tế muốn tuyệt, rêu lưỡi trắng

*Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc này Phụ tử chế với tính vị cay (tân), đại nhiệt là vị thuốc chủ yếu hồi dương, trừ hàn, có tác dụng lan toả toàn thân, mạnh, nhưng không lưu lại lâu. Can khương ôn trung tán hàn ở vị trường (Thần), không mạnh bằng Phụ tử chế, nhưng kéo dài hơn. Người xưa nói:”Phụ tử tẩu mà bất tồn, Can khương tồn mà bất tẩu”. Hai vị thuốc này phối ngũ với nhau làm tác dụng hồi dương được tǎng cường. Cam thảo tính vị ngọt hoãn có tác dụng ích khí ôn trung (tá) có thể hoà hoãn tính nhiệt của Khương, Phụ và bổ trung ích khí hỗ trợ cho Khương, Phụ phát huy tác dụng hồi dương cứu thoát.

BÀI 2: SÂM PHỤ THANG (Thế y đắc hiệu phương)

* Cấu trúc bài thuốc:

Nhân sâm                  8-16g                       Phụ tử chế           8-12g

* Cách dùng: Sắc uống, uống nóng.Nếu bệnh tình nặng có thể tǎng thêm liều lượng và có thể 1 ngày uống 2 thang

*Tác dụng: Hồi dương, ích khí, cố thoát

* Chị định:Dương khí hoạt thoát, khí đoản, ra mồ hôi, tay chân lạnh, váng đầu, sắc mǎt nhạt, mạch vi mà muốn tuyệt.

* Phân tích bài thuốc: Đây là bài thuốc đại ôn, đại bổ có tác dụng hồi dương, cứu thoát. Nhân sâm đại bổ nguyên khí. Phu tử chế ôn tráng chân dương. Hai vị thuốc này phối ngũ với nhau, tạo nên khả nǎng tốt nhất làm hưng phấn dương khí, ích khí cố thoát. Bài thuốc có 2 vị nhưng liều lượng tương đối cao cho nên lực tác dụng cúa vị thuốc tạo nên mạnh

Ngoài ra, bài thuốc này còn được sử dụng cho bệnh nhân sau mổ mà chính khí hư suy. Hay phụ nữ sau đẻ  mà có mát máu nhiều, hay xuất huyết đường tiêu hoá nặng dẫn đến huyết thoát, vong dương, người xưa, có câu “Huyết thoát, ích khí” là chỉ tình trạng này.

BÀI 3:CHÂN VŨ THANG

(Thương hàn luận)

* Cấu trúc bài thuốc:

Phục linh            12-16g            Bach thược          12-16g

Bạch truật            8-12g             Phụ tử chế            8-12g

Sinh khương        8-12g

* Cách dùng:Tất cả làm thang, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

* Tác dụng: Ôn thận, tán hàn,kiện tỳ, lợi thuỷ

* Chỉ định: Tỳ thận dương hư dẫn đến thuỷ thũng (Phù). Trên lâm sàng người bệnh đi tiểu ít, phù toàn thân hay phù chi dưới, cơ thể có cảm giác nặng nề, hoặc sợ lạnh, đau bụng, đại tiện phân nát lóng, rều lưỡi trắng nhờn, mạch trầm tế.

*  Phân tích bài thuốc:Trong bài thuốc này dùng Phụ tử chế với tính vị đại cay, đại nhiệt có tác dụng ôn thận trừ hàn (Quân). Phục linh (Thần) và Bạch truật (Tá) kiện tỳ, lợi thuỷ. Sinh khương (Thần) có tác dụng ôn tán thuỷ khí, tǎng cường thêm tác dụng lợi thuỷ của Linh, Truật. Bạch thược (Sứ) có tác dụng hoà dinh, chỉ thống, với tính vị chua mát có thể liễm âm và làm hoà hoãn tính cay, nóng của Khương, Phụ để không làm tổn thuơng đến phần âm của cơ thể.

Leave Comments

0904151152
0904151152