BÀI THUỐC HÓA THẤP – LỢI THỦY

1.ĐẠI CƯƠNG

1.1.Định nghīa

Các bài thuốc hoá thấp – lợi thuỷ có tác dụng kiện tỳ vị trợ giúp cho tiêu hoá, lợi thuỷ, thoái thũng, thanh nhiệt thông lâm. Trên lâm sàng thường được sử dụng để điều trị các chứng: Yếu tố ở bên trong cơ thể – nội thấp – làm ảnh hưởng đến chức nǎng kiện vận của tỳ vị. Phù do thuỷ thấp đình ngưng ở bên trong và các yếu tố thấp nhiệt gây viêm nhiễm hay sạn sỏi ở vùng hạ tiêu (sỏi hay viêm nhiễm đường tiết niệu).

1.2.Phân loại

Dựa trên tác dụng của bài thuốc cùng với những ứng dụng trên lâm sàng các bài thuốc hoá thấp lợi thuỷ ,có thể phân thành 4 loại:

– Các bài thuốc phương hương hoá thấp.

– Các bài thuốc táo thấp kiện tỳ.

– Các bài tnuốc thẩm thấp lợi thủy.

– Các bài thuốc thanh nhiệt thông lâm.

1.3. Những chú ý khi sử dụng các bài thuốc hoá thấp – lợi thuỷ

– Trong các bài thuốc phương hương hoá thấp và táo thấp kiện tỳ, thường phối ngũ với các vị thuốc kiện tỳ, lợi thuỷ để tǎng cường tác dụng hoá thấp của bài thuốc.

– Trong các bài thuốc thẩm thấp, lợi thuỷ để điều trị chứng thuỷ thũng (phù), ngoài các vị thuốc có tác dụng thẩm thấp lợi thuý ra, tuỳ theo nguyên nhân mà phối ngũ với các vị thuốc: ôn dương hoá khí, bổ khí-kiện tỳ hay các vị thuốc ôn dương.

– Các bài thuốc thanh nhiệt thông lâm với chủ dược trong bài là các vị thuốc vừa có tác dụng thanh nhiệt giải độc, vừa có tác dụng lợi thuỷ. Những vị thuốc mang hai tác dụng như vậy, gọi là các vị thuốc thanh nhiệt thông lâm như: Hoạt thạch, Mộc thông, Xa tiền..

2.NỘI DUNG CÁC BÀI THUỐC HÓA THẤP LỢI THUỶ

2.1.Các bài thuốc phương hương hoá thấp

Khi thấp ngưng trở ở trung tiêu, sẽ làm cho chức nǎng vận hoá của tỳ vị bị suy giảm, trên lâm sàng xuất hiện các triệu chứng: ǎn kém, ngực bụng đầy tức chướng, đại tiện phân nhão nát, miệng nhạt, nhớt. Rêu lưỡi dày nhờn, hay có lợm giọng buồn nôn.. cho tới đầu cǎng, chướng, tứ chi mỏi mệt, tiểu tiện ít… Đặc tính của thấp là: Dính, nhờn, nặng, đục, cho nên trong điều trị phải chọn các vị thuốc có tính vị phương hương, khổ ôn (thơm, đắng, ấm) và phối ngũ thêm với các vị thuốc có tác dụng kiện tỳ, lợi thuỷ.

BÀI 1: HOẮC HƯƠNG CHÍNH KHÍ TÁN (Hoà tễ cục phương)

* Cấu trúc bài thuốc:

Hoắc hương 12g Tử tô 8-12g
Bạch chỉ 4-8g Trần bì 6-12g
Cát cánh 4-8g Bạch truật 8-12g
Hậu phác 4-8g Cam thảo 4g
Bán hạ chế 12g Đại phúc bì 8-12g
Phục linh 12-16g    

* Cách dùng: Nguyên bài dùng dưới dạng tán bột hay dạng viên hoàn, mỗi lần uống từ 8-12g. Mỗi ngày uống 2-3 lần. Ngày nay thường dùng dưới dạng thang sắc, mỗi ngày uống 1 thang, chia 2 lần.

* Tác dụng: Phương hương hoá thấp, lý khí, hoà trung.

* Chỉ định: Do người bệnh cảm thụ tà của thử thấp. Bên ngoài có biểu chứng: sợ lạnh, phát sốt, đau đầu., Bên trong có biểu hiện thấp tà ngăn trở ở trung tiêu: ngực bụng đầy trướng, lợm giọng, buồn nôn, ỉa chảy, miệng nhạt, rêu lưỡi nhờn.

*Phân tích bài thuốc: Đây là bài thuốc có tác dụng giải biểu, hoá lý. Hoắc hương vừa có thể giải tán thử tà, thấp tà ở biểu, lại có thể hoá trừ thấp trọc ở vị trường (Quân). Ngoài vị thuốc chủ dược, các vị thuốc phối ngũ khác được chia thành 2 nhóm giải biểu và hóa thấp. Tính vị cay ấm của Tử tô để giải biểu, tính vị cay thơm của Bạch chỉ để trừ phong, khai tuyên phế khí có Cát cánh, đều là những vị thuốc hỗ trợ tǎng cường tác dụng giải biểu của Hoắc hương. Hậu phác và Đại phúc bì vị cay (tân), đắng (khổ) tính ôn có tác dụng hành khí hoá thấp để điều trị ngực bụng đầy trướng. Bán hạ chế, Trần bì để hoà vị, giáng nghịch điều trị nôn nấc. Bạch truật, Phục linh kiện tỳ, vận thấp, hoà trung, chỉ tả để trợ giúp cho chức nǎng vận hoá của tỷ vị. Và những vị thuốc này đều có tác dụng tǎng cường phương hương hoá thấp của Hoắc hương, Cam thảo có tác dụng hoà hoãn trung tiêu, điều hoà các vị thuốc

BÀI 2: TAM NHÂN THANG (Ôn bệnh điều biện)

* Cấu trúc bài thuốc:

Hạnh nhân 12g Bạch khấu nhân 2-6g
Ý dĩ 12-20g Hậu phác 4-8g
Thông thảo 4g Hoạt thạch 12-20g
Trúc diệp 4-12g Bán hạ chế 6-12g

* Cách dùng: Mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống chia 2 1ần

* Tác dụng: Tuyên thông khí cơ, thanh lợi thấp nhiệt

* Chỉ định: Thấp nhiệt lưu ở khí phận, thấp nặng so với nhiệt, thường sốt âm ỉ hay sốt kéo dài mà không dứt. Người bệnh hơi sợ lạnh, đầu cǎng mà người nặng nề. Ngực đầy tức, mà ít nghĩ đến ǎn uống, khát mà không thích uống nước. Rêu lưỡi trắng nhờn hoặc dày nhờn. mạch nhu.

* Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc này Hạnh nhân thông tuyên phế khí ở thượng tiêu. Bạch khấu nhân phương huớng hoá thấp ngưng ở trung tiêu. Ý dĩ lợi thấp nhiệt ở hạ tiêu. Đó là 3 vị thuốc làm chủ dược của bài, cho nên gọi là “Tam nhân”. Bán hạ chế và Hậu phác hỗ trợ cho Hạnh nhân và Bạch khấu nhân hành khí hoá thấp tuyên thông thượng tiêu, trung tiêu. Hoạt thạch, Thông thảo, Trúc diệp hỗ trợ. Ý dĩ nhân thông lợi thấp thanh nhiệt là thuốc hỗ trợ. Cả bài dùng thuốc phương hương vị đạm để tuyên thông khí cơ, trừ thấp.

2.2. Các bài thuốc táo thấp kiện tỳ

Trong các bài thuốc cổ phương tiêu biểu cho pháp điều trị táo thấp kiện tỳ thì có bài Bình vị tán.

BÌNH VỊ TÁN (Hoà tễ cục phương)

* Cấu trúc bài thuốc:

Thương truật 6-12g Hậu phác 4-12g
Sinh khương 3 lát Trần bì 6-12g
Cam thảo 4g Đại táo 3 quả

* Cách dùng: Trước dùng dạng tán bột, mỗi ngày uống 8g chia 2 1ần (Sắc với 1 bát nuớc, 2 lát gừng và 4 quả táo). Nay thường dùng dưới dạng thang sắc mỗi ngày uống 1 thang, chia 2 lần.

Chú ý: dùng dạng tán bột thì hoà với nước sắc Sinh khương, Đại táo uống.

* Tác dụng: Táo thấp, hành khí kiện tỳ hoà vị.

* Chỉ định: Thấp làm trở ngại tỳ vị. Ngực bụng đầy trướng, ǎn uống kém, tay chân mỏi mệt, đại tiện nhão nát, rêu lưỡi dày nhờn.

* Phân tích bài thuốc: Trong bài tnuốc này Thương truật với tác dụng táo thấp, kiện tỳ làm chủ dược. Hậu phác có tác dụng điều trị trướng mãn (Thần), Trần bì lý khí hoá đàm thấp (Tá). Cam thảo, Khương, Táo hoà trung là những vị thuốc hỗ trợ thứ yếu. Đây là bài thuốc kiện tỳ, táo thấp, hoá đàm, hành khí, hoà vị. Người xưa nói: “Bài thuốc này tính vị từ tân, từ khổ, từ táo mà tạo thành nên có thể: Tiêu (thức ǎn) có thể trừ đàm thấp. Vì vậy, thích hợp dùng cho các trường hợp có ngưng, có thấp, có tích.

2.3.Các bài thuốc thẩm thấp lợi thuỷ

Thủy thấp khi đình ngưng ở bên trong cơ thể, chủ yếu biểu hiện trên lâm sàng đi tiểu ít và phù. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do bởi: Bàng quang mất khả nǎng khí hoá, không có thể lợi thuỷ được, hay dương khí của tỳ thận hư nhược không có thể hoá khí hành thuỷ. Thuỷ thấp do vậy sinh ra ở bên trong, thậm chí ngưng lại mà thành thuỷ thũng (Phù)

BÀI 1: NGŨ LINH TÁN (Thương hàn luận)

*Cấu trúc bài thuốc:

Bạch truật 8g Quế chi (Nhục quế) 4g
Trư linh 12g Trạch tả 12g
Phục linh 12g    

* Cách dùng: Nguyên bài thuốc dùng dưới dạng tán bột. Nay thường dùng dưới dạng thang sắc. Mỗi ngày uống 1 thang chia 2 lần. Nếu dùng dưới dạng tán bột, mỗi lần uống 8-12g, mỗi ngày uống 2 lần. Uống lúc đói, cùng với nước ấm

* Tác dụng: Thông dương, hoá khí, lợi thuỷ, thẩm thấp.

* Chỉ định: Thuỷ thấp đình ngưng ở bên trong, đi tiểu ít, phù. Rêu lưỡi hoạt nhuận, hoặc kiêm có ngực đầy tức, khát thích uống nước, nhưng uống vào lại nôn ra.

* Phân tích bài thuốc: Trạch tả để lợi thuỷ thẩm thấp (Quân), Trư linh, Phục linh tǎng tác dụng lợi thuỷ, thẩm thấp (Thần). Bạch truật kiện tỳ trừ thấp, khiến cho thuỷ thấp không thể đình ngưng được (Tá). Quế chi tính vị cay, ấm có tác dụng thông dương trợ giúp khí hoá cho Bàng quang (Sứ) Khí hoá được tất thuỷ sẽ hành và khiến cho các vị thuốc thẩm thấp lợi thuỷ khác sẽ phát huy tác dụng. Do vậy, bài thuốc này là bài thuốc lợi tiểu chủ yếu.

Bài thuốc này bỏ Quế chi thì gọi là bài “Trư linh tán”, là một bài thường dùng để kiện tỳ, thẩm thấp để trị chứng tỳ hư sinh nội thấp, trên lâm sàng người bệnh đi tiểu ít, đại tiện nhão nát.. Bài thuốc này gia Nhân trẩn thì gọi là Nhân trần ngũ linh tán chuyên trị thấp nhiệt Hoàng đản (thấp nặng hơn nhiệt); tiểu tiện ít, vàng vì bài thuốc này có tác dụng thoái hoàng lợi thuỷ. Bài thuốc này gia Đảng sâm gọi là bài Xuân trạch thang dùng đối với toàn thân xuất hiện chứng trạng khí hư.

BÀI 2: NGŨ BÌ ẨM (Hoa thị trung tàng kinh)

*Cấu trúc bài thuốc:

Tang bạch bì 16g Trần bì 8g
Sinh khương bì 12g Đại phúc bì 8g
Phục linh bì 12g    

* Cách dùng: Tất cả làm thang sắc uống, ngày 1 thang, chia 2 lần

* Tác dụng: Lý khí, kiện tỳ, hoá thấp, lợi thuỷ, tiêu thũng

* Chỉ định: Toàn thân phù, ngực bụng đầy chướng, đi tiểu ít.

* Phân tích bài thuốc: Đây là bài thuốc thuốc tính vị bình hoà, một bài thuốc thuờng dùng để lợi thuỷ, tiêu phù. Nǎm vị thuốc cấu tạo bài thuốc này đều có tác dụng lợi thuỷ tiêu thũng. Nhưng ngoài tác dụng lợi thuỷ, những vị thuốc này đều có tác dụng hành khí. Ví như ngoài Phụ linh bì là vị thuốc có tác dụng tuyệt đối về lợi thuỷ thẩm, thấp kiêm kiện tỳ. Trần bì lý khí, hoà vị. Tang bạch bì, Đại phúc bì hạ khí, lợi thuỷ. Sinh khương bì tân tán thuỷ khí. Năm vị hợp lại đều có tác dụng chung là lý khí, kiện tỳ, lợi thấp, tiêu thũng, cho nên làm bài thuốc có tác dụng tiêu phù toàn thân.

BÀI 3: PHÒNG KỶ, HOÀNG KỲ THANG (Kim quĩ yếu lược)

* Cấu trúc bài thuốc:

Phòng kỷ 12g Hoàng kỳ 12-30g
Bạch truật 8-12g Cam thảo 4g
Sinh khương 3 lát Đại táo 3 quả

* Cách dùng: Trước 4 vị tán thô, mỗi lần dùng 20g sắc với nửa bát nước với 4 lát gừng, 1 quả táo, sắc còn 8/10 chắt nước thuốc uống.

Hiện nay mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống chia 21ần.

* Tác dụng: Bổ khí, kiện tỳ, lợi thuỷ, tiêu thũng

* Chỉ định: Chữa phong thuỷ: Vệ khí bất cố, bị gió khi đang ra mồ hôi, người nặng nề mạch phù, đi tiểu ít, chất lưỡi hơi nhờn. Hay chứng phong hàn: Tay chân, cơ thể nặng nề, tê bì, ra mồ hôi, sợ gió, mạch nhu tế.

* Phân tích bài thuốc: Bài thuốc này lấy Phòng kỷ khu phong lợi thuỷ, Hoàng kỳ ích khí, cố biểu cùng phối ngũ có tác dụng ích khí, hành thuỷ là chủ dược của bài thuốc. Bach truật, Cam thảo, kiện tỳ, hoà trung. Sinh khương, Đại táo điều hoà dinh vệ đều là các vị thuốc trợ giúp cho Phòng kỷ, Hoàng kỳ để tǎng cường tác dụng ích khí, hành thuỷ. Đối với khí hư có phù là rất thích hợp. Gia Khương, Táo điều hoà dinh vệ thì phù hợp với chứng phong thấp.

BÀI 4:THỰC TỲ ẨM (Trùng đính nghiêm thị Tế sinh phương)

* Cấu trúc bài thuốc:

Bạch truật 4-12g Hậu phác 4-8g
Binh lang 4-12g Chích cam thảo 4g
Thảo quả 8-12g Mộc hương 4-8g
Mộc qua 8-12g Sinh khương 3 lát
Phụ tử chế 4-12g Can khuơng 4-8g
Phục linh 12-16g Đại táo 3 quả

* Cách dùng: Mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống, chia 2 lần

* Tác dụng: Ôn dương, kiện tỳ, hành khí, lợi thuỷ.

* Chỉ định: Tỳ dương hư dẫn tới thuỷ thũng (Phù). Người bệnh đi tiểu ít, đại tiện nhão nát, ngực bụng đầy trướng. Chất lưỡi nhợt bệu, rêu luỡi trắng nhờn mà nhuận. Mạch trầm tế.

* Phân tích bài thuốc: Bài thuốc này với tác dụng ôn dương kiện tỳ là chủ. Cho nên gọi là Thực tỳ ẩm. Trong bài dùng Phụ tử chế, Can khương (Quân), Bạch truật, Phục linh để kiện tỳ táo thấp lợi thủy, Mộc hương để tỉnh tỳ, lợi thủy (Thần). Cam thảo, Sinh khương, Đại táo để điều hòa các vị thuốc, kiện tỳ, hòa trung (Sứ) là bộ phận chủ yếu của bài thuốc. Trong bài còn dùng Hậu phác, Mộc hương, Binh lang, Thảo quả với liều cao để hành khí, sơ thông khí cơ, đồng thời nó còn phát huy được tính nǎng của các vị thuốc ôn dương, kiện tỳ, trừ hàn thấp (Tá). Từ đó, mà dẫn đến thuỷ khí hạ hành, trị chứng ngực bụng đầy chuớng và tiêu thuỷ thũng.

2.4.Các bài thuốc thanh thấp nhiệt thông lâm

Thấp nhiệt mà hạ trú xuống bàng quang thì biểu hiện trên lâm sàng người bệnh khi đi tiểu có cảm giác đau, buốt, nóng niệu đạo, nước tiểu đục, đỏ hay vàng như mỡ. Hay trong nước tiểu có sạn sỏi bài xuất ra. Nguyên tắc điều trị những chứng bệnh này là thấp cần phải lợi và nhiệt cần phải thanh. Cần phải tuyển chọn những vị thuốc vừa có tác dụng thanh nhiệt giải độc lại có tác dụng lợi thuỷ.. làm chủ dược trong những bài thuốc này.

BÀI 1: LỤC NHẤT TÁN (Thương hàn trực cách)

* Cấu trúc bài thuốc:

Hoạt thạch 6 phần Sinh cam thảo 1 phần

* Cách dùng: Nguyên dùng dưới dạng bột, uống với nước ấm. Hiện nay thường bao lại trong túi giấy, cho vào thang thuốc sắc uống. Mỗi lần uống từ 12-30g.

* Tác dụng: Khử thử, lợi thấp

* Chỉ định: Cảm thụ thử thấp; toàn thân nóng, tâm phiền, miệng khát hoặc tiểu tiện không lợi, ỉa chảy.

* Phân tích bài thuốc: Hoạt thạch vị ngọt đạm, tính hàn. Đạm có thể thẩm thấp, lợi tiểu, hàn có thể thanh nhiệt giải thử. Một lượng ít Cam thảo cũng có thể có tác dụng thanh nhiệt hòa trung hợp với hoạt thạch với tính vị cam hàn, sinh tân.

BÀI 2:BÁT CHÍNH TÁN (Hoà tễ cục phương)

*Cấu trúc bài thuốc:

Xa tiền tử 12-20g Mộc thông 4-8g
Cù mạch 12g Biển súc 12g
Hoạt thạch 20-30g Cam thảo 4-12g
Chi tử 8-12g Chế đại hoàng 8-12g

* Cách dùng: Nguyên bài dùng dưới dạng tán bột (uống với nước sắc đăng tâm), Hiện nay thường dùng dưới dạng thang sắc. Mỗi ngày uống 1 thang, chia 2 lần.

* Tác dụng: Thanh nhiệt, tả hoả, lợi thuỷ, thông lâm.

* Chỉ định: Thấp nhiệt hạ trú ở bàng quang. Trên lâm sàng người bệnh thuờng đái buốt, đái rát, đái máu, nước tiểu ít và đỏ, mỗi lần đi tiểu có cảm giác đau và nóng rát niệu đạo.

* Phân tích bài thuốc: Bài thuốc này sử dụng Mộc thông, Xa tiền tử, Cù mạch, Biển súc, Hoạt thạch, Cam thảo để thanh lợi thấp nhiệt làm chủ dược. Dùng Chi tử và Chế đại hoàng để tả hoả, mà thanh thấp nhiệt (Thần). Đăng tâm để dẫn nhiệt đi xuống (Tá), Cam thảo để điều hòa các vị thuốc và hoãn cấp .Các vị phối ngũ với nhau mà thành một bài thuốc thanh nhiệt, thông lâm.

BÀI 3: TỲ GIẢI PHÂN THANH ẨM (Đan Khê tâm pháp)

* Cấu trúc bài thuốc:

Tỷ giải 9g                             Ô dược 9g

Ích trí nhân 9g                    Thạch xương bổ 9g

Một số tài liệu có thêm Phuc linh 12g

*Cách dùng: Mỗi ngày uống 1 thang,sắc uống,chia 2 1ân.

*Tác dụng: Ôn hoãn hạ tiêu, lợi thấp, hóa trọc

*Chỉ định: Hạ tiêu hư tổn, nước tiểu đục váng như mỡ không trong, hay đái nhiều lần như nước vo gạo.

* Phân tich bài thuốc: Tỳ giải lơi thấp, hóa trọc có tác dụng điều trị tiểu tiện đục, váng như mỡ làm chủ dược. Khi đi tiểu, nước tiểu đục váng, đa phần là do thận khí hư nhược, nên không thể phân biệt thanh trọc. Cho nên cần sử dụng Ích trí nhân để ôn thận (Thần).Ô dược để ôn thận, ấm bàng quang chữa đái nhiều. Thạch xương bồ để trừ thấp, khử hư hàn, hóa trọc ở Bàng quang(Tá). Những vị thuốc này phốî ngūvới nhau làm bài thuốc trong thông lợi có cố sáp, lợi thấp mà lại cố thận khí.

Leave Comments

0904151152
0904151152