BÀI THUỐC THANH NHIỆT

Bài thuốc thanh nhiệt là bài thuốc sử dụng những vị thuốc có tính hàn, lương để cấu trúc thành bộ phận chủ yếu của bài thuốc, nhằm mục đích để thanh tiết tà nhiệt.

Những bài thuốc thanh nhiệt trên lâm sàng, chủ yếu được sử dụng trong các bệnh chứng mà nhiệt tà đã đi vào phần lý, biểu hiện trên lâm sàng một tình trạng “Lý nhiệt” do nhiều nguyên nhân dẫn đến, từ hậu quả tiến triển của các bệnh ngoại cảm có sốt với tình trạng nhiệt ngày càng nặng, do bởi nhiệt tà xâm phạm vào phần khí phận, dinh phận, huyết phận..cho tới tình trạng “Lý nhiệt”do bởi rối loạn chức năng của các tạng phủ đưa tới như: Can đởm thượng viêm, vị nhiệt… và dưới một điều kiện nhất định,cūng có thể dùng phương pháp thanh nhiệt để tham gia vào trị liệu chứng hư nhiệt- thanh hư nhiệt do các bệnh nhiễm trùng mạn tính dẫn đến

1.2. Phân loại:

Hình thái lâm sàng của nhiệt chứng phong phú như vậy, nên phạm vi ứng dụng trên lâm sàng của các bài thuốc thanh nhiệt cũng rất rộng. Trên thực tế, khi vận dụng những bài thuốc này trị liệu trên lâm sàng, người ta có thể phân thành 6 loại:

-Thanh khí nhiệt.

-Thanh thấp nhiệt.

-Thanh huyết nhiệt (bao gồm cả thanh dinh nhiệt).

-Thanh nhiệt tả hoả giải độc.

-Thanh nhiệt tạng phủ.

-Thanh hư nhiệt.

1.3.Những chú ý khi sử dụng các bài thuốc

– Khi bệnh còn ở phần biểu, không sử dụng các bài thuốc thanh nhiệt, mà sử dụng các bài thuốc này khi nhiệt tà xâm phạm vào lý và đã hình thành chứng lý nhiệt.

– Trên lâm sàng những bài thuốc thanh nhiệt chỉ sử dụng khi bệnh nhân còn sốt. Bệnh nhân đã hết sốt thì dừng thuốc.

– Các vị thuốc trong các bài thuốc thanh nhiệt thường có tính hàn, lưong,nên khi dùng kéo dài hay liều cao dễ làm tổn thương tới vị khí và dương khí trong cơ thể. Vì vậy, khi dùng nên thận trọng và theo dõi chặt chẽ.

– Khi thǎm khám và chẩn đoán hết sức lưu ý, chứng chân hàn giả nhiệt thì không có chỉ định sử dụng những bài thuốc này.

  1. NỘI DUNG CÁC BÀI THUỐC THANH NHIỆT

2.1.Các bài thuốc thanh nhiệt ở phần khí (Thanh nhiệt tả hoả)

Đặc điểm chủ yếu trong cấu trúc cúa bài thuốc thanh khí nhiệt là sử dụng các vị thuốc có tính vị tân – hàn (cay -lạnh) và khổ- hàn (đắng- lạnh) như: Thạch cao, Chi tử, Liên kiều, Hoàng cầm.. làm vị thuốc hạch tâm, cấu tạo chủ yếu của bài thuốc. Còn các vị thuốc phối ngũ lại cǎn cứ vào quá trình diễn biến của tình trạng bệnh tật mà có sự thay đổi thích hợp. Sau đây là những bài thuốc cổ phương tiêu biểu:

BÀI1:BẠCH HỔ THANG (Thương hàn luận)

* Cấu trúc bài thuốc:

Thạch cao        30g           Tri mẫu      12g

Cam thảo         4g             Ngạnh mễ   9g

* Cách dùng:Tất cả làm thang sắc uống, ngày 1 thang chia 2lần

* Tác dung: Thanh khí nhiệt, tả vị hoả, sinh tân chỉ khát.

*Chỉ định: Khi nhiệt tà xâm phạm vào khí phận, trong các bệnh ngoại cảm ôn nhiệt. Trên lâm sàng người bênh sốt cao, khát nước, thích uống nước mát, mặt đỏ ra mồ hôi nhiều, sợ nóng. Mạch hồng đại hoặc hoạt sác.Và còn dùng trong các trường hợp đau đầu, viêm quanh rǎng,chảy máu chân rǎng,chảy máu cam, nguyên nhân do vị hoả dẫn đến.

* Phân tích bài thuốc: Trong bài này sử dụng tính vị tân – hàn của Thạch cao với liều cao để thanh đại nhiệt ở khí phận (Quân). Phối hợp với tính vị khổ hàn của Tri mẫu để tả hoả, sinh tân (thân). Cam thảo và Ngạnh mễ là 2 vị thuốc có tác dụng dưỡng vị,hoà trung, đóng vai trò hỗ trợ các vị thuốc trong bài thuốc (Tá,Sứ). Toàn thể bài thuốc mang tác dụng: Thanh lý nhiệt, sinh tân chỉ khát mà trừ phiền.

BÀI 2: TRÚC DIỆP THẠCH CAO THANG (Thương hàn luận)

*Cấu trúc bài thuốc:

Trúc diệp                 12g                Thạch cao               40g

Ngạnh mễ               20g                 Bán hạ chế             12g

Nhân sâm                6g                   Mạch môn            20g

Cam thảo                4g

*Cách dùng: Tất cả làm thang sắc uống, mỗi ngày uống 1 thang, chia 3 1ần.

*Tác dụng: Thanh khí nhiệt, ích khí, dưỡng âm, giáng nghịch, chỉ ẩu.

*Chỉ định: Trong các trường hợp nhiệt tà đā xâm phạm vào khí phận và gây tổn thương âm dịch.Bài thuốc này cũng được sử dụng trong các bệnh ôn nhiệt với tình trạng nhiệt chưa trừ được làm người bệnh ra mồ hôi nhiều, kèm thêm khát nước,buồn nôn, chất lưỡi đỏ mà khô, mạch hư sác. Gần đây, bài thuốc này còn được sử dụng để điều trị trẻ em sốt cao về mùa hè với những triệu chứng lâm sàng tương tự như trên và tất nhiên phải điều chỉnh liều lượng các vị thuốc lại cho thích hợp.

* Phân tích bài thuốc: Bài thuốc này so với bài Bạch hổ thang, có bỏ Tri mẫu mà gia thêm các vị thuốc: Trúc diệp, Bán hạ chế, Nhân sâm, Mạch môn. Do vậy, bài thuốc này tǎng thêm tác dụng ích khí, dưỡng âm, giáng nghịch chỉ ấu. Khiến cho bài thuốc Bạch hổ thang từ bài thuốc đại hàn mang tính thanh nhiệt nặng, sang bài thuốc có tác dụng thanh – dưỡng (thanh nhiệt- dưỡng âm, dưỡng khí) vừa công vừa bổ.

2.2. Các bài thuốc thanh nhiệt lương huyết ở phần dinh và phần huyết

Những bài thuốc này, thường phân thành 2 loại thanh dinh và lương huyết. Nhưng trên thực tế lâm sàng, sự khác biệt này không lớn, vì vậy có thể kết hợp trên cơ sở thanh huyết nhiệt đã bao hàm ý nghĩa cả thanh dinh nhiệt.

Trong các bài thuốc này đa phần đã sử dụng các vị thuốc có tính vị cam-hàn(ngọt- lạnh) như Sinh địa., hay hàm – hàn (mặn, lạnh) như Huyền sâm, Tê giác…tạo thành.Tình trạng bệnh chứng khi nhiệt tà xâm phạm vào phần dinh, huyết…rất phức tạp. Do vậy, ngoài những vị thuốc đóng vai trò chủ dược trong bài thuốc đã nêu trên.. cần phải tùy tình trạng bệnh lý cụ thể trên lâm sàng mà phải phố ngũ với các vị thuốc khác trong các nhóm thuốc: Thanh nhiệt tả hoả, thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt khai khiếu, thanh tâm hoá đàm, thanh nhiệt chỉ huyết..để xây dựng bài thuốc điều trị cho thích hợp. Sau đây là những bài thuốc cổ phương tiêu biểu:

BÀI 1:THANH DINH THANG (Ôn bệnh điều biện)

* Cấu trúc bài thuốc

Sừng tê giác (mài)        1-4g         Sinh địa           20-40g

Huyền sâm                     8-16g       Đan sâm          8-20g

Trúc diệp                       4-8g         Kim ngân hoa 12-20g

Liên kiều                        8g            Hoàng liên       4g

Mạch môn                      12g

*Cách dùng: Thường mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống chia làm 3 lần (Sừng tê giác có thể thay, bằng Ngưu giác,Sừng trâu với mỗi lần mài 5-20g).

*Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, lương dinh,thanh tâm.

Chỉ định: Bệnh ôn nhiệt mà nhiệt tà đã xâm nhập vào phần dinh, huyết. Trên lâm sàng xuất hiện: Sốt cao, phiền táo, thậm chí mê sảng, chất luỡi đỏ sẫm, mạch tế sác.

* Phân tích bài thuốc: Sừng tê giác và Sinh địa là hai vị thuốc chủ dược(Quân), phối ngū với các vị thuốc thanh nhiệt giải độc như: Kim ngân hoa, Liên kiều. Các vị thuốc tả hoả như: Hoàng liên, Trúc diệp (Tá), các vị thuốc thanh tâm, lương dinh như: Đan sâm và các vị thuốc duỡng âm, sinh tân như: Huyền sâm, Mạch môn (Thần). Đây là bài thuốc dùng thích hợp nhất với chứng nhiệt nhập vào dinh, huyết (lấy dinh làm chủ) trên lâm sàng người bệnh sốt cao, phiền táo, thậm chí mê sảng nhưng chưa xuất hiện tình trạng xuất huyết.

BÀI 2: TÊ GIÁC ĐỊA HOÀNG THANG (Thiên kim phương)

* Cấu trúc bài thuốc:

Sừng tê giác (mài)      1,5-4g       Thược dược (Xích thuợc) 8-16g

Đan bì                         16g            Sinh địa                            20g

*Cách dùng: Thường sắc uống một thang 1 ngày chia làm 3 lần (Sừng tê giác có thể thay bằng Sừng trâu với liều cao).

*Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, lương huyết tán ứ.

*Chỉ định: Bệnh ngoại cảm ôn nhiệt, làm nhiệt tà xâm phạm vào phần dinh, huyết và tâm bào. Trên lâm sàng xuất hiện sốt cao, mê sảng, xuất huyết dưới da, thậm chí có thể xuất huyết nội tạng, chất lưỡi đỏ sẫm, mạch tế sác. Liên hệ với y học hiện đại, hay sử dụng bài thuốc này điều trị vàng da trong viêm gan nặng, suy thận xuất huyết trong các bệnh máu..mà có biểu hiện tình trạng huyết nhiệt.

* Phân tích bài thuốc: Đây là bài thuốc tiêu biểu cho phép thanh dinh, lương huyết, giải độc. Trong bài này sử dụng Sừng tê giác mài với tác dụng là thanh tâm, lương huyết và giải độc (Quân), kết hợp cùng với tác dụng: Lương huyết, dưỡng âm, thanh nhiệt của Sinh địa (Thần). Là 2 vị thuốc quan trọng của bài thuốc.Thược dược thường dùng là Xích thược và Đan bì là 2 vị thuốc hỗ trợ với tác dụng là lương huyết, tiết nhiệt, hoạt huyết, tán ứ. Xích thược với tác dụng lương huyết tán ứ có hiệu quả hơn Bạch thược. Sừng tê giác là vị thuốc quí hiếm có thể dùng Sừng trâu thay thế (Sừng tê giác dùng mỗi lần có thể mài 0,5g với thuốc, còn Sừng trâu mỗi lẩn có thể mài 20-30g với thuốc sắc uống)

2.3.Các bài thuốc thanh nhiệt giải độc

Các bài thuốc thanh nhiệt giải độc được dùng để điều trị các chứng bệnh do nhiệt độc đưa tới, các chứng này thường nằm trong các bệnh ôn nhiệt…(khi liên hệ với y học hiện đại thì thường là các bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng).Trong cấu trúc của các bài thuốc thanh nhiệt giải độc, thường sử dụng lượng lớn các vị thuốc thanh nhiệt giải độc như Hoàng liên, Đại hoàng; Kim ngân hoa, Bồ công anh..Chúng là bộ phận cấu thành chủ yếu của bài thuốc. Sau đây là những bài thuốc cổ phương tiêu biểu:

BÀI l: HOÀNG LIÊN GIẢI ĐỘC THANG (Ngoại đài bí yếu)

* Cấu trúc bài thuốc:

Hoàng liên                     4g                        Hoàng cầm          8-16g

Hoàng bá                       8g                        Chi tử                  8-16g

*Cách dùng:Thường mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống, chia 2 lần.

*Tác dụng: Tả hoả giải độc, thanh thấp nhiệt

* Chỉ định: Tất cả các chứng thực nhiệt, người bệnh có vật vã, mê sảng hay hoàng đản do thấp nhiệt, mụn nhọt hoặc nhiệt mạnh dẫn đến nôn ra máu, chảy máu cam…

*Phân tích bài thuốc: Bài thuốc này lấy Hoàng liên, Hoàng cầm và Hoàng bá là những vị thuốc có tính vị khổ hàn để tả thực nhiệt ở thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu. Đồng thời phối ngũ với Chi tử là vị thuốc cũng có tính vị khổ hàn để tiết nhiệt. Trong bài thuốc này dùng Hoàng liên để tả tâm hoả (Quân), kiêm tả hoả ở trung tiêu, Hoàng cầm tả phế nhiệt, tả hoả ở thượng tiêu (Thần), Hoàng bá để tả thấp nhiệt ở hạ tiêu, dùng Chi tử để thông tả hoả ở tam tiêu (Tá, Sứ), khiến cho nhiệt tà đi xuống qua con đường tiểu tiện mà bài xuất ra. Do vậy, bài thuốc này thường dùng trong trường hợp thấp nhiệt ở hạ tiêu, như trong các truờng hợp viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu trong y học hiện đại.

BÀI 2:NGŨ VỊ TIÊU ĐỘC ẨM (Y tông kim giám)

*Cấu trúc bài thuốc:

Kim ngân hoa                   12-20g             Cúc hoa (dã)       20g

Bồ công anh                      20g                  Tử hoa địa đinh  20g

Tử bối thiên (Quỳ tử)       8g

Cách dùng: Sắc uống

*Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, tiêu tán mụn nhọt.

* Chỉ định: Các loại mụn nhọt, tại chỗ có sưng nóng đỏ, đau, toàn thân có thể phát sốt,chất lưỡi đỏ, mạch sác.

*Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc này Kim ngân hoa với tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu tán mụn nhọt, làm chủ dược.Tử hoá địa đinh và Tử bối thiên(Quỳ tử) là những vị thuốc quan trọng để điều trị mụn nhọt đang sưng tấy .Bồ công anh và Hoa cúc dại (Dã cúc hoa) là những vị thuốc cũng có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu tán ung nhọt đều là thuốc hỗ trợ để cho tác dụng giải độc được tǎng cuờng(Thân, Tá). Có thể cho tí rượu vào thuốc sắc để làm thuốc phát tán nhanh và tǎng cuờng hành huyết trong mạch để làm Sứ dược thì tác dụng tiêu tán mụn nhọt sẽ được tǎng cường hơn.

BÀI 3:TỨ DIỆU DŨNG AN THANG (Nghiệm phương tân biên)

*Cấu trúc bài thuốc:

Huyền sâm                   100g         Đương qui                  70g

Kim ngân hoa              100g         Cam thảo                     30g

*Cách dùng: Tất cả làm thang, sắc uống ngày 1 thang, chia 3- 4 lần uống trong ngày.

* Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, dưỡng âm.

*Chỉ định: Thoát thư (viêm động mạch chi dưới), có nước vàng chảy ra, phát sốt, miệng khát

* Phân tích bài thuốc: Bài thuốc này dùng một luợng lớn Huyền sâm, Kim ngân hoa, Cam thảo với mục đích thanh nhiệt giải độc trong đó Kim ngân hoa là chủ dược. Huyền sâm trong bài, còn có thêm tác dụng dưỡng âm. Gia Đương qui với mục đích hoạt huyết, tán ứ.Trong bài phải dùng liều lượng cao để trị chứng thoát thư bội nhiễm mới có hiệu quả.

-Trong các trường hợp đau dữ dội gia thêm Nhũ hương, Một dược…là những vị thuốc hoạt huyết,chỉ thống

– Nếu hàn chứng nặng thì gia thêm các vị thuốc ôn kinh, tán hàn: Quế chi, Phụ tử chế..

– Hư chứng nặng thì gia thêm các vị thuốc bổ khí, huyết: Hoàng kỳ, Đảng sâm, Thục địa, Lộc giác giao..

2.4.Các bài thuốc thanh nhiệt ở tạng phủ

Các bài thuốc sử dụng để thanh lý nhiệt ở tạng phủ là cǎn cứ vào những đặc điểm của các tang phủ bị bệnh để xây dựng các bài thuốc khác nhau. Sau đây là những bài thuốc cổ phương tiêu biểu

BÀI 1: ĐẠO XÍCH TÁN (Tiểu nhi dược chứng trực quyết)

*Cấu trúc bài thuốc:

Sinh địa                    16-30g                      Mộc thông                8-12g

Trúc diệp                  8-12g                        Cam thảo                  8g

*Cách dùng: Nguyên bài sử dụng dưới dạng bột, tán tễ. Hiện nay thường dùng dưới dạng thang sắc uống, mỗi ngày 1 thang, chia 2 lần

*Tác dụng: Thanh tâm hoả, lợi tiểu tiện

*Chỉ định: Chứng tâm hoả vuợng, dẫn đến tâm phiền, mất ngủ, miệng lưỡi sinh ra các mụn loét, đi tiểu nước tiểu ít, đỏ và có cảm giác đau.

*Phân tích bài thuốc: Bài thuốc này dùng Sinh địa để thanh nhiệt lương huyết (Quân), Trúc diệp để thanh tâm hoả (Thần). Mộc thông để thanh nhiệt ở kinh tâm, thanh lợi tiểu trường, lợi thủy thông lâm (Tá), Cam thảo thanh nhiệt giải độc điều hoà các vị thuốc (Sứ). Cho nên có thể dẫn nhiệt hạ hành

-Tâm hoả vượng mạnh: Gia Hoàng liên, Hoàng cầm

-Đái máu: Gia Ngẫu tiết, Hoạt thạch, Bồ hoàng.

BÀI 2: LONG ĐỞM TẢ CAN THANG (Y phương tập giải)

* Cấu trúc bài thuốc:

Long đởm thảo                2-8g                        Chi tử            8-16g                        Hoàng cầm                      8-16g                      Cam thảo       4-8g

Sài hồ                               4-12g                      Sinh địa        12-20g

Xa tiền                            12-20g                    Đương qui      8-16g

Trạch tả                           8-16g                     Mộc thông     8-12g

*Cách dùng: Sắc uống, mỗi ngày 1 thang chia 2 lần.

*Tác dụng: Tả can đởm thực hoả, thanh lợi hạ tiêu thấp nhiệt.

*Chỉ định: Chứng đau đầu, đau vùng mạng sườn, mắt đỏ, miệng đắng, tai đau sưng…Cho tới kinh có thấp nhiệt, hạ trú đưa đến bộ phận sinh dục bên ngoài sưng, đau, viêm, ngứa, đi tiểu đau, nước tiểu đục…Nữ giới bị chứng đới hạ.

*Phân tích bài thuốc: Long đởm thảo trong bài thuốc này là chủ dược một vị thuốc chuyên tả can đởm thực hoả và thấp nhiệt ở hạ tiêu nhờ tính vị khổ hàn tiết nhiệt của nó. Phối ngũ cùng với Hoàng cầm, Chi tử (Thần) cũng là những vị thuốc thah nhiệt tả hoả làm cho tác dụng thanh nhiệt, tả hoả của Long đởm thảo được tǎng cường. Tác dụng của Đương qui, Sinh địa…là để hoạt huyết, lương huyết, dưỡng âm… với các vị thuốc thanh nhiệt tả hoả cùng phối ngũ, mang dụng ý là trong tả có bổ, khiến cho các vị thuốc tả hoả không do tính vị khổ táo mà làm thương tổn phần âm. Phối hợp với các vị thuốc: Mộc thông, Sa tiền, Trạch tả..là những vị thuốc thanh lợi, khiến cho thấp nhiệt từ tiểu tiện mà bài xuất ra ngoài.

BÀI 3:TẢ BẠCH TÁN (Tiểu nhi dược chứng trực quyết)

*Cấu trúc bài thuốc:

Địa cốt bì               8-16g                       Tang bạch bì           8-16g

Ngạnh mễ              20g                           Cam thảo               4-6g

*Cách dùng: Nguyên bài này bào chế dưới dạng bột, nay thường dùng duới dạng thang sắc. Mỗi ngày sắc uống 1 thang chia 2 lần

*Tác dụng: Tả phế hoả, thanh hư nhiệt, chỉ khái, bình suyễn

* Chỉ định: Người bệnh biểu hiện chứng phế nhiệt: Ho khạc đờm, thậm chí khó thở, khạc ra máu, miệng khô, môi khô, chất lưỡi đỏ sẫm, rêu lưỡi mỏng, mạch tế sác.

* Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc này Tang bạch bì với tính vị tân, cam mà hàn nên nó mang tác dụng tả phế hoả, thanh phế khí, chỉ khái bình suyễn. Địa cốt bì tính vị khổ, hàn, có tác dụng thanh hư nhiệt để điểu trị cốt trưng. Cam thảo và Ngạnh mễ có tác dụng hoà trung, dưỡng vị trợ phế khí. Bài thuốc này có chỉ định tốt nhất là điều trị chứng âm hư, phế nhiệt, ho, khó thở, khạc đờm ít. Trên lâm sàng khi sử dụng bài này trong điều trị nếu thấy đàm nhiệt là chính thì cần phải tǎng cuờng liều luợng của Tang bạch bì. nếu tình trạng âm hư, triều nhiệt, ho nhiều, khạc ra máu là chính thì cần phải tǎng cường liều lượng của Địa cốt bì.

BÀI 4: THANH VỊ TÁN

(Tỳ vị luận)

Hoàng liên:1g           Sinh địa:1g

Thăng ma:1g             Đương qui:1g

Đan bì:1g

– Cách dùng: nguyên bài dùng dưới dạng bào chế tán bột. Mỗi lần uồng từ 6-12g uống với nước mát. Nay thường dùng dưới dạng thang sắc, mỗi ngày uống 1 thang chia 2 lần.

– Tác dụng: thanh vị lương huyết

– Chỉ định: điều trị chứng vị hoả thượng viêm, biểu hiện đau sưng loét lợi

– Chân răng (viêm lợi) đưa lên đầu, đỏ mặt, phát sốt, thích uống nước mát hoặc chảy máu chân răng, chân răng sưng đỏ viêm loét. Hay môi lưỡi nổi mụn đau, miệng nóng hôi, lưỡi khô ráo hoặc quai bị. Chất lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng, mạch hoạt đại mà sác.

* phân tích bài thuốc: bài thuốc này chuyên điều trị chứng vị có tính nhiệt, hoả khí theo kinh dương minh đưa lên trên. Răng lợi là nằm trên đường hành chuyển của kinh mạch dương minh vị. Vị hoả tích mạch, theo đường kinh mạch đưa lên trên, dẫn đến các triệu chứng biểu hiện của viêm lợi. Dương minh là kinh đa khí, đa huyết nên vị nhiệt cũng có thể đưa nhiệt tới huyết phận mà xuất hiện chảy máu chân răng, miện hôi, hơi thở nóng, chân răng bị viêm loét. Trong bài thuốc sử dụng Sinh địa để tích âm, lương huyết (Quân) hoàng liên với lương huyết , chỉ huyết (Thần ). Đương qui với tác dụng dẫn huyết với kinh (Tá). Cùng với Thăng ma đưa Hoàng Liên đi lên trên tán hoả giải độc (Sứ) khiến cho cả bài thuốc có tác dụng thanh vị hoả, lương huyết nhiệt.

BÀI 5: NGỌC NỮ TIỄN

(Cảnh nhạc toàn thư)

Thạch cao:1g       Mạch môn:1g

Ngưu tất:1g         Thục địa:1g

Tri mẫu:1g

* Cách dùng: Tất cả làm thang sắc uống, ngày 1 thang chia 2 lần.

*Tác dụng: Tả vị nhiệt, tư âm.

* Chỉ định: Vị nhiệt gây âm hư: Người bệnh phiền nhiệt, khát, đầu đau, lợi sưng đau, chảy máu chân rǎng, hoặc tiêu khát, chủ yếu là ǎn nhiều chóng đói.

* Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc này sử dụng Thạch cao để thanh nhiệt  Dương minh vị (Quân). Thục địa có tác dụng tư bổ thận âm và Tri mẫu trợ Thạch cao thanh vị nhiệt (Thần), Mạch môn dưỡng âm, thanh nhiệt cùng Thục địa tư vị âm (Tá). Ngưu tất dẫn hoả hạ hành (Sứ). Vì vậy dùng bài này cho vị nhiệt gây âm hư là thích hợp.

BÀI 6: NHÂN TRẦN CAO THANG (Thương hàn luận)

* Cấu trúc bài thuốc:

Nhân trần             20-30g                     Chi tử               10-15g

Đại hoàng             5-10g

*Cách dùng: Mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống, chia làm 2 lần

*Tác dụng: Thanh thấp nhiệt, thoái hoàng đản

*Chỉ định: Chứng dương hoàng, trên lâm sàng: Người nóng, phát sốt mặt, mắt, toàn thân vàng như vỏ quả quít, nước tiểu vàng đỏ, ít. Đại tiện bí kết, miệng khát, ngực bụng chướng đầy, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác.

* Phân tích bài thuốc: Trong bài vị Nhân trân (Quân) với tác dụng thanh thấp nhiệt, lợi đởm là vị thuốc chủ yếu để điều trị hoàng đản, đây là chủ dược của bài thuốc. Phối ngũ với Chi tử (Thần) là vị thuốc có tính vị khổ hàn, khiến cho thấp nhiệt tà từ tiểu tiện mà bài xuất ra. Đại hoàng (Tá) với tác dụng thông điều trường vị, khiến cho thấp nhiệt tà bài xuất ra ngoài qua con đường đại tiện. Do vậy, bài thuốc này chuyên dùng điều trị hoàng đản thuộc vể dương chứng, thực chứng, nhiệt chứng.

BÀI 7: BẠCH ÐẦU ÔNG THANG (Thương hàn luận)

*Cấu trúc bài thuốc:

Bạch đầu ông       12-20g                Hoàng bá              12g

Hoàng liên           4-8g                    Tần bì                   12-16g

*Cách dùng: Mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống chia làm 2 lần.

*Tác dụng: Thanh thấp nhiệt, lương huyết, giải độc, chỉ lỵ

* Chỉ định: Hội chứng lỵ (Lỵ tật) có biểu hiện trên lâm sàng: Đau quặn, mót rặn, hậu môn có cảm giác nóng rát, phân có máu mũi.

* Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc này dùng Bạch đầu ông để thanh nhiệt ở phần huyết (Quân). Trợ giúp có vị Tần bì với tính vị mát và có tác dụng cố sáp. Hai vị thuốc này chú yếu để lương huyết, chỉ lỵ Phối ngũ có Hoàng bá, Hoàng liên là 2 vị thuốc thanh thấp nhiệt, giải độc. Cả bài thuốc trực tiếp thanh lý nhiệt. Đây là bài thuốc có hiệu quả khi sử dụng điều trị hội chứng lỵ Bạch đầu ông là chủ dược (Quân), Hoàng liên thanh thấp nhiệt ở trung tiêu, Hoàng bá thanh thấp nhiệt ở hạ tiêu (Thần), Tần bì cố sáp chỉ lỵ (Tá)

2.5.Các bài thuốc thanh hư nhiệt

Các bài thuốc này có cấu trúc chủ yếu là các vị thuốc có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt như: Miết giáp, Thanh hao, Địa cốt bì, Sài hồ, Tần giao… Các bài thuốc này đa phần được chỉ định điều trị trong thời kỳ lui bệnh của các bệnh ôn nhiệt hoặc trong các bệnh mạn tính, có sốt kéo dài…Trong quá trình diễn biến của các bệnh này, thường xuất hiện các triệu chứng của phần âm dịch bị tổn thương, nhiệt tà lưu trữ ở phần âm trong cơ thể như sốt âm ỉ kéo dài, triều nhiệt, gò má đỏ, lòng bàn tay, bàn chân nóng, người gầy, lưỡi đỏ sẫm ít rêu. Những bài thuốc này trong điều trị, khi sử dụng kéo dài, thường ảnh hưởng đến chức nǎng của tỳ vị do các vị thuốc dưỡng âm thanh nhiệt thuờng có tính nê trệ nên trong cấu trúc của bài thuốc này thường có sự phối ngũ thêm của các vị thuốc kiện tỳ như: Bạch truật, Hoài sơn… và các vị thuốc phương hương (cay – thơm) để tỉnh tỳ như Sa nhân, Bắc mộc hương, Hậu phác.. Sau đây là những bài thuốc cổ phương tiêu biểu:

BÀI 1: THANH HAO MIẾT GIÁP THANG (Ôn bệnh điều biện)

* Cấu trúc bài thuốc:

Thanh hao                     8-16g                    Miết giáp        8-16g

Sinh địa                        16-20g                   Tri mẫu          8-16g

Đan bì                           8-12g

*Cách dùng: Mỗi ngày 1 thang, sắc uống, chia 2 lần

*Tác dụng: Dưỡng âm, sinh tân lương huyết, thanh nhiệt

* Chỉ định: Các bệnh truyên nhiễm 8 thời kỳ lui bệnh hay các bệnh nhiễm trùng mạn tính…mà nhiệt tà còn lưu lại ở phần âm huyết làm cho tân dịch bị thương tổn, mà hư nhiệt chưa lui.Trên lâm sàng có: Sốt về chiều hay sốt âm ỉ kéo dài, chất lưỡi đỏ, rêu luỡi ít, miệng khô, môi khô, mạch tế (huyền) sác

* Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc này sử dụng Miết giáp với tính vị hàm-hàn để tư âm, thanh huyết nhiệt và Thanh hao với tính vị khổ hàn để thanh nhiệt, thấu tà, đưa nhiệt tà ra ngoài. Đây là 2 vị thuốc, đóng vai trò chủ dược của bài thuốc. Đồng thời phối ngũ với Sinh địa, Tri mẫu, Đan bì là những thuốc có tác dụng dưỡng âm, sinh tân, lương huyết, giáng hoả. Do vậy bài thuốc này đặt trọng tâm vào “Dưỡng âm”, âm dịch hồi phục thì hư nhiệt sẽ tự thoái.

BÀI 2: THANH CỐT TÁN (Chính trị chuẩn thắng)

* Cấu trúc bài thuốc:

Ngân sài hồ          8-16g          Hồ hoàng liên         4-12g

Tần giao               6-12g          Miết giáp                8-16g

Địa cốt bì             8-16g          Thanh hao               6-12g

Tri mẫu                8-16g          Cam thao4-8g

*Cách dùng: Mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống, chia 2 lần.

*Tác dụng: Thanh hư nhiệt, thoái cốt trưng dưõng âm, thanh hỏa

* Chỉ định: Như trong lao phổi: âm hư nội nhiệt, hư lao cổ chướng, cho tới một số bệnh mạn tính mà xuất hiện các triệu chứng: Sốt âm ỉ, sốt về chiều, lòng bàn chân, bàn tay nóng, gò má đỏ, có cơn bốc hoả, người gày, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi móng, mạch tế sác, nhu sác hay hư sác.

*Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc này dùng Ngân sài hồ, Thanh hao và Tần giao hợp lại để thanh huyết nhiệt, mà trừ cốt chưng. Bài thuốc còn dùng Địa cốt bì để thanh phế hoả, Hồ hoàng liên thanh hư nhiệt, Tri mẫu thanh thận hoả. Tác dụng thanh hoả của 3 vị thuốc này là thanh hư hoả, mà không phải là tả thực hoả. Làm cho nội hoả của tạng phủ đuợc thanh nên hư nhiệt sẽ thoái lui. Miết giáp tính vị hàm hàn để tư âm, bổ can thận mà trị hư lao. Cam thảo tính vị ngọt – hoãn để hoà trung tiêu hạn chế các vị thuốc tính khổ hàn làm tổn thưong tới vị khí. Ngân sài hồ là chủ dược (Quân), Thanh hao, Tần giao là Thần. Hồ hoàng liên, Địa cốt bì, Tri mẫu cũng là Thần, Miết giáp là Tá, Cam thảo là Sứ.

BÀI 3: ĐƯƠNG QUY LỤC HOÀNG THANG (Lan thất bí tàng)

*Cấu trúc bài thuốc:

Đương quy            12g                        Sinh địa              12g

Hoàng cầm            12g                       Thục địa              12g

Hoàng liên             12g                       Hoàng bá            12g

Hoàng kỳ               24g

*Cách dùng: Mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống, chia 2 lần.

* Tác dụng: Tả hoả tư âm, bổ khí huyết, chỉ đạo hãn.

* Chỉ định: Âm hư hoả vuợng, ra mồ hôi trộm, miệng khô tâm phiền, chất lưỡi đỏ sẫm, mạch hư sác.

*Phân tích bài thuốc: Đương quy, Sinh địa, Thục địa dưỡng âm huyết, thanh nội nhiệt (Quân). Tam hoàng tả hoả trừ phiền, thanh nhiệt (Thần). Hoàng kỳ ích khí cố biểu, chỉ hãn (Tá). Vì vậy, rong bài này lấy “Tam hoàng” để tả hoả, lấy“ Nhị địa” để tư âm. Hoàng kỳ, Đương qui bổ khí huyết tạo nên tác dụng chung của bài thuốc là tư âm, thanh hoả, cố biểu, chỉ hãn để điều trị chứng khí huyết hư nhược mà kèm âm hư hoả vượng có ra nhiều mồ hôi. Nhưng nếu tỳ vị hư nhược thì không thích hợp dùng bài này

BÀI 4: DƯỠNG ÂM THANH PHẾ THANG (Trọng lầu ngọc thược)

* Cấu trúc bài thuốc:

Sinh địa               12-20g                     Mạch môn           8-16g

Huyền sâm          8-16g                       Đan bì                  8-16g

Bạch thược (sao) 8-12g                       Bối mẫu               12-16g

Cam thảo             4-12g                       Bạc hà                  4-6g

* Cách dùng: Mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống chia 2 1ần.

*Tác dụng: Duỡng âm thanh phế, lương huyết giải độc, thanh hầu họng.

*Chỉ định: Ho khan do phế âm hư, viêm mạn tính hầu họng.

*Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc này dùng Sinh địa, Mạch môn, Huyền sâm. Ba vị thuốc này hợp lại để dưỡng âm, nhuận táo thanh hư nhiệt làm chủ dược. Đan bì, Bạch thược để lương huyết, thanh nhiệt, liễm âm. Xuyên bối mẫu để hoá đàm, nhuận phế. Cam thảo để thanh nhiệt, giải độc. Bạc hà với tính vị tân lương để thấu tiết nhiệt của phế vị, lợi hầu họng, tiêu thũng.

BÀI 5: NGÂN KIỀU THẠCH HỘC THANG (Bài thuốc kinh nghiệm của Bệnh viện Quang Minh-Thượng Hải- Trung Quốc)

* Cấu trúc bài thuốc

Kim ngân hoa                 12-20g                       Liên kiều           12-20g             Thạch hộc                       12-20g                       Đan bì                8-12g                 Phục linh                        16-24g                       Thục địa             20g

Sơn thù                           8-12g                         Hoài sơn            12g                       Trach tả                          8-16g

*Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia 2 1ần.

*Tác dụng: Dưỡng âm, tư thận. Thanh nhiệt giải độc.

*Chỉ định: Viêm nhiễm mạn tính đường tiết niệu, có biểu hiện thận âm hư tổn.

*Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc này có đầy đủ bài Lục vị địa hoàng hoàn là bài thuốc tiêu biểu cho phép dưỡng âm, tư thận. Gia Kim ngân hoa, Liên kiều là hai vị thuốc thanh nhiệt, giải độc. Gia Thạch hộc là vị thuốc dưỡng âm điều trị chứng miệng khô, môi khô với tác dụng tǎng cuờng duỡng âm, sinh tân. Bài thuốc này thường được dùng sau đợt cấp của viêm nhiễm đường tiết niệu, mà có biểu hiện âm hư.

Leave Comments

0904151152
0904151152