BÀI THUỐC TRỪ ĐÀM

1.ĐẠI CƯƠNG

1.1. Định nghĩa

Đàm là một sản phẩm bệnh lý, được hình thành do rối loạn chuyển hoá thuỷ dịch trong cơ thể đưa đến. Người ta có thể phân chúng ra làm 2 loại hữu hình và vô hình. Đàm hữu hình người ta có thể thấy nó dưới dạng chất nhày đục, đặc. do nôn ra, do khạc ra…hay nghe thấy tiếng lọc xọc trong cổ, trong ngực khi ho, khi thở. Đàm vô hình là chỉ người bệnh có biểu hiện chứng trạng toàn thân như váng đầu, hoa mắt, chóng mặt, lợm giọng, buồn nôn, tức ngực, tâm phiền.. mê sảng.

1.2. Phân loại Đàm hữu hình

Do nguyên nhân hình thành đàm rất nhiều, từ nội thương đến ngoại cảm…đều có thể dẫn đến. Cho nên, người ta dựa vào tính chất của đàm mà phân thành: thấp đàm, táo đàm, hàn đàm, nhiệt đàm và phong đàm. Dựa trên cơ sở phân loại này, người xưa đã đưa ra các phương pháp điều trị tương ứng: Táo thấp hoá đàm, Nhuận táo hóa đàm, Ôn hoá hàn đàm, Thanh nhiệt hoá đàm và Trị phong hoá đàm

2.NỘI DUNG CÁC BÀI THUỐC TRỪ ĐÀM

2.1.Các bài thuốc táo thấp hoá đàm

Táo thấp hoá đàm là một phương pháp điều trị đối với bệnh chứng của thấp đàm. Nguyên nhân sinh ra thấp đàm theo lý luận của y học cổ truyền là: “Tỳ vị sinh đàm chi nguyên..” có nghĩa là do chức nǎng tỳ dương bị suy giảm dẫn đến rối loạn vận hoá, làm thuỷ thấp đình lưu ngưng kết lại mà tạo thành đàm.. trong trường hợp này, người ta thường chọn những vị thuốc hoá đàm có tính vị khổ ôn để táo thấp, vị đạm để thẩm lợi thấp như: Bán hạ chế, Trần bì, Phục linh… để tạo thành chủ dược cho các bài thuốc này.

BÀI 1: NHỊ TRẦN THANG (Hoà tễ cục phương)

* Cấu trúc bài thuốc:

Bán hạ chế 8-12g Trần bì 8-12g
Phục linh 12g Cam thảo 4g

Nguyên phương còn có thêm Sinh khương, Ô mai.

* Cách dùng: Mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống, chia làm 2 lần

* Tác dụng: Táo thấp hoá đàm, lý khí hoà trung.

* Chỉ định: Ho khạc đờm nhiều, đờm trắng dễ khạc đầy tức ngực, ợ hơi buồn nôn, nôn. Rêu lưỡi nhờn, mạch hoạt.

* Phân tích bài thuốc: Bài thuốc này lấy Bán hạ chế, Trần bì làm chủ dược. Bán hạ chế có tác dụng táo thấp hoá đàm, hoà vị, chỉ nôn (Quân). Trần bì lý khí, hoá đàm khiến cho khí thuận đàm tiêu (Thần). Khí hoá tất đàm cũng hoá, do bởi đàm từ thấp sinh ra. Tỳ kiện vận tất thấp tự hoá. Thấp trừ tất đàm cũng tiêu trừ. Cho nên phối ngũ dùng Phục linh kiện tỳ lợi thấp (Tá), Cam thảo hoà trung, bổ tỳ (Sứ)

BÀI 2: KIM THUỶ LỤC QUÂN TIỄN (Cảnh Nhạc toàn thư)

* Cấu trúc bài thuốc:

Bán hạ chế 8-12g Trần bì 8-12g
Phục linh 12g Cam thảo 4g
Đương qui 8g Thục địa 20g

* Cách dùng: Tất cả làm thang thêm gừng 3 lát, Đại táo 3 quả sắc uống, ngày 1 thang, chia 2 lần.

*Tác dụng: Dưỡng âm, hoá đàm.

* Chỉ định: Phế thận âm hư, tỳ thấp sinh đàm. Người bệnh ho, khó thở, đờm nhiều hoặc miệng họng khô ráo.

* Phân tích bài thuốc: Đây là bài thuốc Nhị trần thang gia thêm 2 vị là Đương qui và Thục địa. Bài Nhị trần thang có tác dụng táo thấp hoá đàm. Đương qui và Thục địa lại dưỡng huyết, tư âm để tạo thành bài thuốc có tác dụng táo thấp mà không làm tổn thương phần âm. Tư âm mà không dẫn đến lại sinh thấp. Hai nhóm thuốc này hiệp đồng điều hoà với nhau để có thể hoà vị, kiện tỳ, vận hoá thuỷ cốc, phân bố chất tinh vi cho cơ thể, từ đó mà phế, thận được điều hoà.

2.2.Các bài thuốc nhuận táo hoá đàm

Đây là những bài thuốc được dùng trong các trường hợp nhiệt tà hay táo tà từ bên ngoài xâm phạm vào cơ thể, gây tổn thương phế, làm tân dịch của phế bị tiêu hao, dẫn đến: Ho khan, ho có ít đờm, khó khạc, mũi khô, họng khô, tức ngực, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch sác.. để điều trị người ta thường chọn những vị thuốc có tác dụng thanh tuyên táo tà và nhiệt tà phối ngũ cùng các vị thuốc có tác dụng nhuận phế sinh tân.. để tạo thành những bài thuốc nhuận táo hoá đàm.

BÀI l: BÁCH HỢP CỐ KIM THANG (Y môn pháp luật)

* Cấu trúc bài thuốc:

Tang diệp 12g Thạch cao 20-30g
Nhân sâm (Sa sâm) 12g Cam thảo 4g
Ma nhân 12g A giáo 8-12g
Mạch môn 12g Trắc bá diệp 12g

* Cách dùng: Mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống, chia 2 lần.

* Tác dụng: Thanh phế, nhuận táo

* Chỉ định: Táo nhiệt làm tổn thương Phế. Khó thở, ho khan hay ít đờm. Hầu họng khô, mũi khô ráo, lưỡi khô, rêu ít.

* Phân tích bài thuốc: Đây là bài thuốc cơ bản để điều trị táo nhiệt, làm tổn thương phế. Dùng Tang diệp, Thạch cao để thanh phế nhiệt. A giao, Mạch môn, Ma nhân dưỡng phế âm. Nhân sâm, Cam thảo ích phế khí. Hạnh nhân, Trắc bá diệp hoá đàm, chỉ khái. Như vậy bài thuốc còn có tác dụng thanh táo nhiệt và dưỡng khí âm.

BÀI 2: TANG HẠNH THANG (Ôn bệnh điều biện)

* Cấu trúc bài thuốc:

Tang diệp 12g Hạnh nhân 12g
Sa sâm 12g Thổ bối mẫu 12g
Đậu xị 12g Chi tử 6-12g

Lê bì (cho liểu thích hợp) 4g

* Cách dùng: Mỗi này uống 1 thang, sắc uống, chia 2 lần

* Tác dụng: Tuyên phế, thanh ôn táo, chỉ khái

* Chỉ định: Ngoại cảm phong nhiệt, phế táo khái thấu. Ho khan không có đờm, đầu đau, người nóng, họng khô, miệng khát. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng mà khô.

* Phân tích bài thuốc: Tang diệp, Đậu xị, tuyên phế, tán hàn (Quân) Chi tử có tác dụng sơ phong, thanh nhiệt, tuyên phế, lợi khí (Thần). Hạnh nhân Bối mẫu hoá đàm, chỉ khái (Tá). Sa sâm, Lê bì nhuận phế, sinh tân (Sứ). Phối ngũ với nhau mà thành bài thuốc thanh táo, nhuận phế. Táo nhiệt được loại trừ, tân dịch của phế được phục hồi thì ho khan sẽ hết.

BÀI 3: BỐI MẪU QUA LÂU TÁN (Y học tâm ngộ)

* Cấu trúc bài thuốc

Bối mẫu 6g Phục linh 3g
Qua lâu 4g Trần bì 3g
Thiên hoa phấn 3g Cát cánh 3g

* Cách dùng: sắc uống

* Tác dụng: Thanh nhiệt, nhuận phế, lý khí, hóa đàm.

* Chỉ định: Phế táo có đờm, khạc đờm khó, đờm khó ra, họng khô

* Phân tích bài thuốc: Bối mẫu thanh nhiệt, nhuận phế, hóa đờm, chỉ khái, khai đờm khí kết (Quân). Qua lâu thanh nhiệt, nhuận táo, lý khí hóa đờm, thông ách tắc ở ngực (Thần). Thiên hoa phấn thanh nhiệt hóa đờm, ninh tâm nhuận táo và Phục linh kiện tỳ lợi thấp (Tá). Trần bì lý khí, hóa đờm. Cát cánh tuyên lợi phế khí (Sứ).

2.3. Các bài thuốc ôn hoá hàn đàm

Các bài thuốc ôn hoá hàn đàm là các bài thuốc điều trị đối với chứng bệnh hàn đàm. hàn đàm được tạo thành do bởi: Tỳ thận dương hư hay phế hàn lưu ẩm. Chứng bệnh trên lâm sàng thường thấy là hay khạc ra đờm trong loãng, ho, đầy, tức ngực, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch trầm trì.. Đáp ứng cho phương pháp điều trị này là thường dùng những vị thuốc hoá đàm, ôn dương, trừ hàn..làm chủ dược cho những bài thuốc này. Sau đây là những bài thuốc cổ phương tiêu biểu:

BÀI 1: LINH CAM NGŨ VỊ KHƯƠNG TÂN THANG (Kim quĩ yếu lược)

* Cấu trúc bài thuốc:

Phục linh 16g Cam thảo 8g
Ngũ vị tử 8g Can khương 12g
Tế tân 8g    

* Cách dùng: Sắc uống, mỗi ngày 1 thang, chia 3 lần.

* Tác dụng: Ôn phế, hoá đàm

* Chỉ định: Hàn ẩm lưu ở phế. Người bệnh ho, khạc đờm loãng trắng thích ngủ, ngực đầy tức khó thở, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch huyền trì.

* Phân tích bài thuốc: Tỳ là nguồn gốc để sinh đàm, khi tỳ hư, thấp thắng thì tất sinh đàm. Trong bài dùng Tế tân tǎng tác dụng của Can khương và Phục linh để kiện tỳ, thẩm thấp (Thần). Can khương để ôn tán phế hàn, hóa ẩm (Quân). Để đề phòng phế khí tiêu tán thái quá, cho nên dùng Ngũ vị tử ôn liễm phế khí chỉ ho (Tá). Cam thảo hoà trung, điều hoà các vị thuốc (Sứ). Các vị thuốc phối hợp dùng trong tán có liễm, trong khai có hợp, khiến cho phế hàn được ôn, đàm ẩm được trừ. Đây là bài thuốc tiêu biểu ôn phế hoá đàm.

BÀI 2: LINH QUẾ TRUẬT CAM THANG (Thương hàn luận)

* Cấu trúc bài thuốc:

Phục linh 16g Quế chi 8g
Bạch truật 12g Cam thảo 4g

* Cách dùng: Mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống chia 2 lần

* Tác dụng: Kiện tỳ lợi thấp, ôn hoá đàm ẩm

* Chỉ định: Bệnh đàm ẩm: Ngực sườn đầy tức, ho, khó thở, đầu váng, tâm quý hoặc đoản khí.

* Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc này dùng Phục linh kiện tỳ lợi thấp (Quân), Quế chi thông dương (Thần), Bạch truật kiện tỳ, táo thấp (Tá). Cam thảo ích khí hoà trung (Sứ). Có thể điều trị chứng tỳ mát kiện vận, khí bất hoá thuỷ khiến thấp ngưng thành đàm mà đưa đến ho, khó thở, đầu váng, tâm phiền. Trong hen phế quản mạn tính hay viêm phế quản mạn tính ở đợt cấp mức độ nhẹ, có thể sử dụng bài thuốc này với khí hư thì gia thêm Đảng sâm, đờm nhiều thì phối hợp với bài Nhị trần thang.

2.4.Các bài thuốc thanh nhiệt hoá đàm

Các bài thuốc thanh nhiệt hoá đàm dùng để điều trị chứng Nhiệt đàm. Nhiệt đàm được tạo thành do nhiệt tà ở bên trong mạnh, thiêu đốt tân dịch mà tạo thành đàm hoả. Trên lâm sàng thường biểu hiện: Ho, khạc ra đờm vàng dính, khó khạc, toàn thân mặt đỏ, phiền nhiệt, rêu lưỡi vàng, mạch sác.. Để điều trị người ta thường chọn dùng các vị thuốc hoá đàm để tạo thành những chủ dược của các bài thuốc này. Sau đây là những bài thuốc cổ phương tiêu biểu:

BÀI 1: TIỂU HÃM HUNG THANG (Thương hàn luận)

* Cấu trúc bài thuốc:

 

Hoàng liên 8g Bán hạ chế 12g
Qua lâu thực 20g    

* Cách dùng: Sắc uống, mỗi ngày uống 1 thang, chia 3 lần

* Tác dụng: Thanh nhiệt hóa đàm, khoan hung khai kết.

* Chỉ định: Nhiệt đàm kết lại ở vùng dưới tâm: Thấy ngực, bụng trên đầy trướng như có ách tắc, sờ đau, hay ho khạc ra đờm đặc dính, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác.

* Phân tích bài thuốc: Trong bài này Qua lâu thanh nhiệt, điều đàm, tán kết, thông ngực hoành là quân. Hoàng liên với tính vị khổ hàn có tác dụng thanh nhiệt tả hoả, trừ tâm hạ bí kết hợp với Bán hạ chế tính tân ôn trừ hàn, điều trị chứng ngực bụng đầy chướng như có bĩ là thần dược. Kết hợp hai vị lại với tác dụng khổ giáng, tân khai có thể tiết nhiệt, điều đàm, khai hung, tán kết.

2.5.Các bài thuốc trị phong hoá đàm

Các bài thuốc trị phong hoá đàm, dùng để điều trị chứng phong đàm. Nguyên nhân dẫn đến chứng phong đàm trên lâm sàng rất đa dạng: có ngoại cảm phong tà dẫn đến phế vệ bị tổn thương, làm cho phế khí bất tuyên, đưa đến khí ngưng mà sinh đàm, người bệnh xuất hiện sợ lạnh, phát sốt, ho ra nhiều đờm. Còn có nội sinh phong đàm, mà đa phần là tỳ hư, vận hoá kém dẫn đến hình thành thấp đàm, mà hậu quả là thấp trọc thường nhiễu đưa đến can phong nội động, sinh ra các chứng huyễn vựng, đầu thống.. Sau đây là các bài thuốc cổ phương, thường sử dụng:

BÀI 1: CHỈ THẤU TÁN (Y học tâm ngộ)

* Cấu trúc bài thuốc:

Kinh giới 8g Cát cánh 12g
Bạch tiền 8g Tử uyển 12g
Bách bộ 12g Trần bì 12g
Cam thảo 4g    

* Cách dùng: Nguyên bài dùng dưới dạng thuốc bột mỗi lần uống 12 g chiêu với nước, ngày nay dùng dưới dạng thang sắc. Mỗi ngày uống 1 thang chia 2 1ần.

* Tác dụng: Chỉ khái, hoá đàm.

* Chỉ định: Ho do ngoại cảm, phong tà vào phế, ho kéo dài, họng ngứa hoặc kèm theo cảm giác hơi sợ lạnh, hơi sốt.

* Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc này Kinh giới để sơ phong giải biểu, Cát cánh tuyên phế, Trần bì chỉ khái tiêu đàm, Tử uyển chỉ khái hoá đàm, Bách bộ nhuận phế, chỉ khái. Bạch tiền giáng khí, hoá đàm. Cam thảo điều hòa các vị thuốc hợp với Cát cánh lợi hầu họng hoá đàm chỉ khái: Đây là bài thuốc chủ yếu để chỉ khái, hoá đàm.

BÀI 2: BÁN HẠ BẠCH TRUẬT THIÊN MA THANG (Y học tâm ngộ)

* Cấu trúc bài thuốc:

Bán hạ chế 8-12g Quất hồng 8-12g
Phục linh 12g Cam thảo 4g
Thiên ma 12g Bạch truật 12g
Sinh khương 3 lát Đại táo 4 quả

* Cách dùng: Tất cả làm thang, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

* Tác dụng: Kiện tỳ, hóa thấp, bình can, tức phong.

* Chỉ định: Phong đàm dẫn đến huyễn vựng, đầu thống, ngực đầy trướng, buồn nôn. Rêu lưỡi trắng nhờn, mạch huyền hoạt.

* Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc Bán hạ chế, Thiên ma hoá đàm, giáng nghịch, tức phong là hai vị thuốc chủ yếu điều trị huyền vựng, đầu thống (Quân), Bạch truật kiện tỳ, táo thấp (Thần). Phục linh là vị thuốc kiện tỳ, trừ thấp dùng để điều trị nguồn gốc sinh đàm. Quất hồng lý khí hoá đàm. Cam thảo, Sinh khương, Đại táo là những vị thuốc điều hoà tỳ vị (Sứ). Các vị thuốc trên tạo thành một bài thuốc tiêu biểu cho phép kiện tỳ, trừ thấp, hoá đàm, tức phong.

Leave Comments

0904151152
0904151152