BÀI THUỐC TRỪ PHONG

  1. ĐẠI CƯƠNG

Các bài thuốc trừ phong chuyên dùng để điều trị các chứng bệnh do ngoại phong và nội phong gây ra:

– Chứng ngoại phong do các nguyên nhân gây bệnh bên ngoài: Phong hàn phong  nhiệt, phong thấp xâm phạm vào cơ thể gây ra. Khi điều trị phải sử dụng các bài thuốc có tác dụng phát tán. Phát tán phong hàn và phát tán phong nhiệt đã được trình bày trong các bài thuốc giải biểu để điều trị chứng cảm mạo phong hàn và cảm mạo phong nhiệt. Trong phần này chỉ trình bày các bài thuốc phát tán phong thấp, chuyên dùng để điều trị chứng thấp khớp.

– Chứng nội phong là do các nguyên nhân bên trong là thất tình bị rối loạn, làm rối loạn chức nǎng của các tạng phủ đưa đến các tình trạng bệnh lý do can phong nội động gây ra và phải sử dụng các bài thuốc bình can tức phong để điều trị.

  1. NỘI DUNG CÁC BÀI THUỐC TRỪ PHONG

2.1. Các bài thuốc trừ phong thấp

Các bài thuốc trừ phong thấp có tác dụng trừ phong thấp, thông kinh lạc cho tới thanh nhiệt, chỉ thống..chuyên dùng để điều trị chứng tay, chân, cơ thể và các khớp có cảm giác đau nhức, tê bì, ê ẩm, đôi khi sưng, nóng, biến dạng, co duỗi khó khǎn (YHCT xếp vào chứng tý).

Cấu trúc của bài thuốc trừ phong thấp, ngoài các vị thuốc có tác dụng khu phong, tán hàn, trừ thấp ra, còn cần phải phối ngũ với các vị thuốc dưỡng huyết, hoạt huyết, thông dương, lý khí, cho tới bổ dưỡng can thận. Nếu hoá nhiệt, cần phải gia thêm các vị thuốc thanh nhiệt. Sau đây là các bài thuốc cổ phương tiêu biểu:

BÀI 1: QUYÊN TÝ THANG (Y học tâm ngộ)

* Cấu trúc bài thuốc:

Khương hoạt 12g Độc hoạt 12g
Quế chi 8-12g Nhũ hương 4-8g
Tần giao 12g Đương qui 12g
Xuyên khung 8-12g Bắc mộc hương 6-12g
Chích cam thảo 4g Hải phong đằng 30g
Tang chi 30g    

*Cách dùng: Mỗi ngày 1 thang, sắc uống chia 2 lần.

*Tác dụng: Trừ phong thấp, chỉ tý thống.

*Chỉ định: Chứng phong hàn thấp tý.Tay, chân và các khớp đau nhức, có cảm giác nặng nề, tế, được ủ ấm thì đau đỡ đi, gặp thời tiết lạnh, ẩm thì đau tǎng lên. Tại chỗ các khớp, không có sưng, nóng, đỏ.

* Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc này đã sử dụng nhiều vị thuốc có tác dụng trừ phong hàn thấp làm chủ dược như: Khương hoạt, Độc hoạt, Quế chi, Tần giao, Hải phong đằng, Tang chi. Các vị thuốc hỗ trợ làm thần dược có: Đương qui, Xuyên khung, Bắc mộc hương, Nhũ hương với tác dụng lý khí, hoạt huyết, chỉ thống. Cam thảo điều hoà các vị thuốc. Bài thuốc này lấy trừ tà làm chủ, trợ giúp có dưỡng huyết, hoạt huyết. Thường dùng đối với chứng tý trong giai đoạn khởi đầu.

BÀI 2: ĐỘC HOẠT TANG KÝ SINH THANG (Thiên kim phương)

* Cấu trúc bài thuốc:

Độc hoạt 12g Tang ký sinh 16-50g
Tần giao 12g Phòng phong 12g
Đỗ trọng 12g Nhân sâm (Đảng sâm) 12g
Tế tân 4-8g Ngưu tất 12g
Phục linh 12g Quế chi 6g
Chích cam thảo 4-12g Đương qui 12g
Xích thược 12g Xuyên khung 8-12g
Địa hoàng 16-24g Can địa hoàng 12g

*Cách dùng: Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 1ần.

*Tác dụng: Trừ phong thấp, bổ khí huyết, ích can thận, chỉ thống tý.

*Chỉ định: Chứng phong hàn thấp tý, các khớp đau, lưng gối đau mỏi

*Phân tích bài thuốc: Bài thuốc này cấu trúc từ 2 nhóm thuốc. Một nhóm thuốc lấy trừ tà làm chủ, bao gồm các vị Độc hoạt, Tế tân, Phòng phong, Tần giao… có tác dụng trừ phong thấp mà chỉ thống. Một nhóm thuốc lấy phục chính làm chủ: Nhân sâm, Phục linh,Cam thảo, Can địa hoàng và thay Bạch thược bằng Xích thược, Đương qui, Xuyên khung thực chất là bài “Bát trân thang” bỏ đi Bạch truật, nên có tác dụng song bổ khí huyết. Trong đó đủ bài “Tứ vật” còn có tác dụng hoạt huyết với ý nghĩa:Trị phong tiên trị huyết, huyết hành phong tự diệt. Bài thuốc còn có:Tang ký sinh, Đỗ trọng ,Ngưu tất để bổ can thận, làm khoẻ lưng gối và cân cốt. Do vậy, bài thuốc này dùng điều trị chứng phong thấp của người cơ thể suy nhược là thích hợp

* Chú ý: Bài thuốc này bỏ Tang ký sính đi, gia thêm Hoàng kỳ, Tục đoạn thì gọi là bài “Tam tý thang” về chỉ định cũng giống như bài trên, nhưng tác dụng bổ hư sē mạnh hơn.

BÀI 3: QUẾ CHI THUỢC DƯỢC TRI MẪU THANG (Kim quĩ yếu lược)

*Cấu trúc bài thuốc:

Quế chi 8-12g Bạch thược 12g
Chích cam thảo 8g Ma hoàng 8g
Bạch truật 12g Tri mẫu 12g
Phòng phong 12g Phụ tử chế 8-12g
Sinh khương 3-5 lát    

*Cách dùng: Sắc uống, mỗi ngày 1 thang, chia 2 lần. Gần đây, có thể sử dụng bài thuốc trên bỏ Sinh khương đi, tất cả tán thành bột, uống với nước Sinh khương. Mỗi ngày uống 12g chia 2 lần vào sáng và tối. Mỗi liệu trình điều trị là 2 tuần.

*Tác dụng: Thông dương hành tý, khu phong trừ thấp, hoà dinh chỉ thống.

*Chỉ định: Phong, hàn, thấp tý đang chuyển sang giai đoạn hoá nhiệt, cơ thể đau mỏi, các khớp sưng đau sờ nóng. Nhưng toàn thân phát sốt không rō ràng.

* Phân tích bài thuốc: Quế chi trong bài có tác dụng ôn thông huyết mạch. Ma hoàng, Phòng phong, Phụ tử chế, Bạch truật dùng để trừ phong, tán hàn, bài thấp. Tri mẫu dùng để thanh nhiệt. Trong bài có Quế chi, Phụ tử chế để ôn thông dương khí. Lại có Bach thuợc, Tri mẫu hoà dinh, như vậy thuốc hàn và thuốc nhiệt, âm dược và dương dược cũng sử dụng. Đồng thời có Cam thảo để điều hoà các vị thuốc. Sinh khương để giáng nghịch, chỉ nôn.

2.2.Các bài thuốc bình can tức phong

Tác dụng bình can tức phong, khí vận dụng trên lâm sàng thì thông qua các bài thuốc trân kinh.Những bài thuốc này, có thể điều trị các chứng trạng: Tay chân co giật, đầu có cản giác váng, nặng, hoa mắt, miệng đắng méo lệch…Các vị thuốc thường dùng Toàn yết, Ngô công, Địa long là chú dược. Nhưng phong có phân biệt nội phong và ngoại phong. Nếu như nội phong thì cần phải phối ngũ với các vị thuốc như Câu đằng, Thiên ma, Cúc hoa, Thạch quyết minh, Linh dương giác..là những vị thuốc bình can, tức phong tiềm dương. Sau đây là những bài thuốc cổ phưong tiêu biểu cho điều trị nội phong.

BÀI 1: TRẤN CAN TỨC PHONG THANG (Y học trung tham tây lục)

*Cấu trúc bài thuốc:

Ngưu tất 30g Sinh long cốt 20g
Qui bản 20g Huyền sâm 20g
Sinh giả thạch 30g Sinh mẫu lệ 20g
Bạch thược 20g Mạch môn 20g
Xuyên luyện tử 8g Mạch nha 8g
Thanh hao 8g Cam thảo 4g

*Cách dùng: Tất cả làm thang, sắc uống, ngày 1 thang, chia 2 lần.

*Tác dụng: Trấn can tức phong, tư âm, tiềm dương.

*Chỉ định: Chứng can thận âm hư, can dương thượng cang, can phong nội động, mạch huyền có lực. Trên lâm sàng khi người bệnh hoa mắt, chóng mặt kèm thêm đau đầu, phát sốt, đau nhức ù tai, trong tâm cảm thấy phiền nhiệt. Hay tay chân, cơ thể có cảm giác co duỗi khó; hay miệng mắt méo xệch, sắc mặt như say, thậm chí chóng mặt mà muốn ngã; hay bất tỉnh. Bệnh tình kéo dài có hồi phục cũng không được như trước, tay chân vận động yếu hay thành di chứng liệt nửa người.

*Phân tích bài thuốc: Trong bài thuốc này dùng Ngưu tất, với liều lượng lớn để dẫn huyết hạ hành, bình giáng khí nghịch (Quân). Giả thạch, Long cốt, Mẫu lệ tiềm dương, giáng nghịch, chấn can tức phong (Thần), Quy bản, Bạch thược, Huyền sâm, Mạch môn có tác dụng tư âm, thanh hoả. Thanh hao, Mạch nha, Xuyên luyện tử để sơ can, lý khí. Cam thảo có tác dụng hoãn cấp, hoà trung. Đây là một số vị thuốc hỗ trợ có tác dụng sơ can, tiết can, điều can có lợi đối với bình giáng can dương.

BÀI 2: THIÊN MA CÂU ĐẰNG ẨM (Tạp bệnh chính trị tâm nghĩa)

* Cấu trúc bài thuốc:

Thiên ma 8g Câu đằng 16g
Sinh thạch quyết minh 20g Phục thần 16g
Tang ký sinh 12g Đỗ trọng 16g
Ngưu tất 12g Dạ giao đằng 20g
Chi tử 12g Hoàng cầm 12g
Ích mẫu 12g    

*Cách dùng: Tất cả làm thang sắc uống, ngày 1 thang, chia 2 lần

*Tác dụng: Bình can, tức phong.

*Chỉ định: Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, nặng đầu mất ngủ do can dương thượng cang, dẫn đến can phong nội động.

* Phân tích bài thuốc: Trong bài này dùng Thiên ma, Câu đằng, Thạch quyết minh để bình can tức phong (Quân). Chi tử, Hoàng cầm tiết can hoả (Thần), Tang ký sinh, Đỗ trọng, Ngưu tất bổ thận âm, duỡng can huyết. Có tác dụng thông lạc khi sử dụng thêm Ích mẫu là vị thuốc hoạt huyết, thông lạc. Dạ giao đằng và Phục thần có tác dụng dưỡng huyết, an thần (Tá, Sứ).

Qua các công trình nghiên cứu khoa học đã minh chứng được bài thuốc này có tác dung hạ huyết áp, nên trên lâm sàng thường được chỉ định điều trị tǎng huyết áp mức độ nhẹ và vừa.

Phụ phương:

LINH DƯƠNG CÂU ĐẰNG THANG (Thông tục Thương hàn luận)

* Cấu trúc bài thuốc:

Linh dương giác 4g Tang diệp 12g
Bạch thược 12g Phục thần 12g
Xuyên bối mẫu 8g Sinh địa 16g
Cam thảo 4g Câu đằng 12g
Cúc hoa 12g Trúc nhự 12g

* Cách dùng: Tất cả làm thang sắc uống, ngày l thang, chia 2 lần.

* Tác dụng: Lương can tức phong, tǎng dịch thư cân.

* Chỉ định: Bệnh ngoại cảm ôn nhiệt vào kinh can, nhiệt mạnh dẫn đến phong động. Chứng can dương thượng cang dẫn đến phong động cũng có thể sử dụng.

Chú ý: Linh dương giác có thể thay thế bằng Trân châu mẫu.

Leave Comments

0904151152
0904151152