CÁC DẠNG THƯỜNG DÙNG TRÊN LÂM SÀNG CỦA BÀI THUỐC YHCT

Tuỳ theo yêu cầu chữa bệnh trên lâm sàng, tính chất các vị thuốc và sự cấu tạo của bài thuốc, các bài thuốc có thể sử dụng dưới nhiều dạng bào chế khác nhau. Những dạng thường sử dụng trên lâm sàng là:

  1. Dạng thuốc sắc (thuốc thang)

– Mỗi vị thuốc,  hay nhiều vị  thuốc cấu tạo thành bài thuốc gọi là thang tễ, cho vào nước để sắc, bỏ bã lấy nước uống, thường là uống ấm thì gọi là thuốc sắc hay thuốc thang.

– Thuốc sắc là một dạng thuốc thường dùng trong y học cổ truyền, nó thích hợp với nhiều loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh cấp tính, hay giai đoạn cấp của các bệnh mạn tính

– Do bởi thuốc y học cổ truyền có nguồn gốc phần lớn là thực vật, nên khi sắc,   các thành phẩn của thuốc dễ hòa tan vào nước, khi uống dễ được hấp thu và phát huy hiệu quả điều trị nhanh, mạnh. Đồng thời người thày thuốc dễ gia giảm để phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng , nhất là những bệnh cảnh lâm sàng phức tạp. Ngày nay ngưòi ta đã khác phục nhược điểm của phương pháp sắc thuốc bằng than, củi, bếp ga.. (không thuận tiện) bằng sắc ấm cắm điện tự động, được sản xuất từ nhiều nước, thuận tiện hơn.

  1. Dạng thuốc bột (thuốc tán)

Đem các vị thuốc trong bài thuốc, sao ròn tán thành bột thô hoặc mịn, gọi là thuốc tán. Thuốc tán chia thành 2 ļoại: thuốc uống trong và thuốc dùng ngoài. Khi dùng uống trong, uống với nước đun sôi để nguội (bột mịn),  hoặc gói lại cho vào thang để sắc (bột thô). Thuốc bột dùng bên ngoài thường rắc lên trên vải thưa, mỏng hoặc có thể rắc trực tiếp vào vết thương..  thường dùng chữa các  vết thương ngoại khoa. Đặc điểm của thuốc bột là dễ sử dụng, dễ mang theo, ít biến chất…nhưng sự hấp thu chậm hơn so với thuốc sắc.

  1. Dạng thuốc hoàn (viên tròn)

– Thuốc được tán thành bột thật nhỏ, dùng nước mật, nước hồ gạo… bào chế thành viên hoàn tròn, tùy theo yêu cầu của bào chế mà có các kích cỡ khác nhau. Thuốc hoàn là một dạng thuốc thường dùng trong y học cổ truyền

– Thuốc hoàn có đặc điểm là hấp thu chậm, tác dụng chậm, nhưng thể tích nhỏ dễ đem theo, dễ sử dụng và bảo quản.Sử  dụng phù hợp với các bệnh mạn tính, cần uống thuốc lâu dài vừa nâng cao thể trạng người bệnh hay duy trì kết quả chữa bệnh. Nhưng nhược điểm do sinh dược chứa trong viên hoàn thấp, hấp thu chậm, nên người bệnh cần sử dụng lâu dài mới phát huy tác dụng. Tuy nhiền, ngoại trừ một số bài thuốc  mang tính cấp cứu (thuốc khai khiếu)  như An cung ngưu hoàng hoàn, Tử tuyết đan, Chí bảo đan…vì nó gồm những vị thuốc, nếu sắc rất dễ bị sức nóng phân huỷ mất tác dụng  hoặc gây độc như Chu sa thì cũng thuờng dùng dưới dạng thuốc hoàn.

– Các dang thuốc hoàn thường gǎp:

3.1. Hoàn mật: Các vị thuốc được sao ròn, tán thành bột. Dùng nước đường đen,  nước mật hay mật ong trộn với lượng vừa đủ để làm viên hoàn. Viên hoàn mật có đặc tính nhu nhuận, hòa hoãn, là dạng bào chế thường sử dụng với các bài thuốc bổ.

3.2. Hoàn nước: Tán các vị thuốc thành bột, dùng nước đun sôi để nguội, rượu, giấm hoǎc một phần nước thuốc sắc trộn lẫn để làm thành viên.

So với hoàn mật thì hoàn nước dễ vỡ hơn, nhưng hấp thu nhanh hơn.

3.3. Hoàn hồ: Tán nho các vị thuốc thành bột, dùng hồ gạo chế thành viên, lâu hấp thu hơn hoàn nước và hoàn mật, sau khi uống thuốc được hấp thu từ từ, thích hợp với việc dùng các thuốc kích thích niêm mạc dạ dày.

3.4.Hoàn đậm đặc:Sắc thuốc  xong cô lại thành cao, hoặc dùng dung môi thích hợp (rượu) chiết xuất hoạt chất, rồi cô đặc lại thành cao đặc, làm khô thành bột dùng nước, rượu, nước thuốc sắc làm thành viên hoàn, có thể dùng để chữa các loại bệnh khác nhau. Các viên thuốc hoàn, hàm lượng to hay nhỏ, để trần hay có vỏ sáp bọc là tùy theo yêu cầu: Viên to có thể từ 4-16g, viên nhỏ bằng hạt đậu…

  1. Rượu thuốc: Dùng rượu làm dung môi chiết xuất hoạt chất của các vị thuốc, có thể dùng uống trong, hay dùng xoa ngoài, thường có tác dụng bổ hư, tiêu ú, giảm đau.
  2. Thuốc cao:Thuốc được đem đun sắc thành nước, rồi đem cô đặc lại thành thể keo, gọi là thuốc cao. Chia thành 2 loại: Thuốc uống trong (hay dùng dạng cao lỏng) hoặc dùng ngoài (thường là cao mềm).

5.1. Thuốc cao dùng dể uống trong: Là các vị thuốc đem đun sắc thành nước, bỏ bã, sau đun tiếp nhỏ lửa để cô đặc lại, có thể cho thêm đường phèn hay mật ong… hàm lượng trung bình 1ml cao lỏng tương đương với 1g thuốc. Dễ uống, liều lượng chuẩn xác, thích hợp với các loại thuốc bổ, nhưng khó bảo quản được lâu ngày. Ngoài ra, còn dạng thuốc cao đặc hơn, cách làm như trên, nhưng hàm lượng 1ml cao tương đương với 2- 5g thuốc.

5.2. Thuốc cao dùng ngoài: Có 2 loại cao mềm và cao cứng.

– Cao mềm: Đem các vị thuốc  trong bài thuốc  nấu thành cao, cho tá duợc (Vaselin, dầu thực vật) trộn lẫn làm thành cao mềm.Thường dùng cho các vết thương phần mềm, bỏng,..

– Cao cứng: Đem bài thuốc nấu thành cao, cho tá dược (nhựa thông, sáp ong..) trộn lẫn làm thành cao cứng, phết lên vải, giấy làm cao dán lên mụn nhọt, khớp xuơng…khi gặp nhiệt độ 36°-37°C trên mặt da của cơ thể thì thuốc sẽ chảy ra.

– Cao dán có tác dụng cục bộ hay toàn thân.

* Ưu điểm của thuốc cao, thành phần sinh dược của thuốc có thể lợi dụng được nhiều vì đã kinh qua đun sắc, cô đặc, với vị thuốc ngọt dễ uống. Dạng thuốc này thường dùng  để điều trị các bệnh mạn tính hay nâng cao thể trạng. Nhưng nhược điểm là thuốc không để được lâu, nhất là trong thời tiết nóng, cho nên phần nhiều  thuốc dạng cao hay sử dụng về mùa đông.

6.Thuốc đan (đan tễ)

Đan trong các dạng thuốc bào chế kinh điển của y học cổ truyền (Cao, Đan, Hoàn, Tán) là dạng thuốc bào chế đã kinh qua thuốc hoàn hay tán, nhưng được tinh chế kỹ lưỡng như “Cam lộ tiêu độc đan”, “Chí bảo đan”, “Tử tuyết đan”…tác dụng của dạng bào chế này cũng còn mang thêm một ý nghīa khác là tác dụng  nhanh, mạnh,có hiệu quả cao.

Trong những thập kỷ cuối của thế kỷ XX trở lại đây, kết hợp với y dược học hiện đại, để nâng cao hiệu quả điều trị của thuốc y hoc cổ truyền, nên nhiều dạng bào chế mới của thuốc y học cổ truyền đã xuất hiện như dạng viên dẹt, viên nang, siro, thuốc tiêm… bên cạnh các dạng bào chế kinh điển.

Leave Comments

0904151152
0904151152