Tổng quan về bài thuốc Y học cổ truyền

Các bài thuốc y học cổ truyền, thường quen gọi bằng một cụm từ trong chuyên ngành là “Phương tễ”. Phương tễ là bộ phận quan trọng của lý pháp phương dược của y học cổ truyền, đó là sự phối ngũ các vị thuốc trên cơ sở lý pháp phương dược hoặc làm mất tác dụng của vị thuốc nào đó, hoặc làm cho thuốc có thêm tác dụng mới. Phương tễ không cố định có thể gia giảm tuỳ theo chứng bệnh cụ thể. Các bài thuốc y học cổ truyền có những bài chỉ bắt đầu có 1 vị thuốc như bài “Độc sâm thang”… gọi là đơn phương, nhưng thường là phối hợp từ hai vị thuốc trở lên gọi là phức phương. Những bài thuốc này dùng để chữa một bệnh, một hội chứng bệnh hay một triệu chứng của bệnh.

Các bài thuốc được thiết kế và xây dựng theo một số nguyên tắc nhất định, trên một số nguyên tắc này người ta có thể mở rộng phạm vi sử dụng của bài thuốc bằng cách thêm hay bớt vị thuốc trong bài, thay đổi sự phối ngũ, thay đổi liều lượng của các vị thuốc… mà trong y học cổ truyền quen gọi là sự “gia giảm”, tất nhiên phương thức này đa phần chỉ ứng dụng trong các bài thuốc cổ phương. Ngoài ra người ta cũng có thể còn thay đổi các dạng bào chế ví như từ thuốc sắc chuyển sang dạng viên hoàn, thuốc bôi…,  ngày nay có thể chuyển sang dạng viên nang, chè hãm, thậm chí có thể bào chế dưới dạng thuốc tiêm truyền tĩnh mạch… tất cả chỉ nhằm mục đích có được bài thuốc, dạng thuốc phù hợp với tình hình thực tế của bệnh tật và yêu cầu không ngừng nâng cao hiệu quả điều trị lâm sàng cho người bệnh.

  1. CÁCH THIẾT KẾ VÀ XÂY DỰNG MỘT BÀI THUỐC

1.1. Nguyên tắc thiết kế một bài thuốc

– Một bài thuốc có thể có ít nhiều vị thuốc, tùy thuộc vào tình hình thực tế của bệnh tật, thể trạng người bệnh và yêu cầu của việc chữa bệnh.

– Một bài thuốc hoàn chỉnh được cấu tạo theo nguyên tắc: Quân – thần – tá – sứ.

1.1.1. Quân:

Là vị thuốc chính và được coi là chủ dược của bài thuốc, dùng để  chữa nguyên nhân  gây ra bệnh, triệu chứng chính trong hội chứng bệnh lý. Trong một bài thuốc thông thuờng có 1 đến 2 vị là quân, nó trở thành bộ phận chủ yếu của bài thuốc. Ví dụ như trong 3 bài Thừa khí thang: Đại thừa khí thang – Tiểu thừa khí thang / Điều vị thừa khí thang, đều lấy vị Đại hoàng làm quân vì đã xác định công hạ vị trường thực  nhiệt gây đại tiện bí kết  là trọng tâm của điểu trị.

1.1.2. Thần:

Là vị thuốc hỗ trợ cho vị thuốc chủ dược, nhằm làm tǎng cường tác dụng của vị thuốc đóng vai trò quân. Ví dụ như trong bài “Ma hoàng thang” sử dụng Quế chi làm vị thuốc đóng vai trò thần, bởi nó có tác dụng hỗ trợ cho Ma hoàng.

1.1.3. Tá:

Là vị thuốc chữa các triệu chứng  phụ  của hội chứng bệnh tật, hay có vai trò hạn chế tác dụng quá mạnh hay có độc tính của vị thuốc chủ dược, nó cũng còn tǎng tác dụng của vị thuốc chính. Ví dụ  trong hội chứng bệnh lý của người bệnh có ho, người  ta có thể gia thêm các vị thuốc  chỉ khái: Hạnh nhân,Tử uyên…, hay ǎn uống khó tiêu gia thêm các vị thuốc tiêu thực đạo trệ.

1.1.4. Sứ:

Là vị thuốc đưa tác dụng của bài thuốc đến nơi có bệnh thuộc tạng phủ hay kinh lạc nào đó và còn có tác dụng điều hòa tính nǎng của các vị thuốc trong bài thuốc. Ví dụ như Cát cánh dẫn thuốc lên trên, Ngưu tất dẫn thuốc xuống dưới, Cam thảo vị thuốc tính bình để điều hòa các vị thuốc.

Để minh họa cho nguyên tắc xây dựng bài thuốc có Quân- Thần- Tá -Sứ này có thể lấy bài “”Ma hoàng thang” để minh họa: Bài thuốc này gồm có 4 vị: Ma hoàng, Quế chi, Hạnh nhân, Cam thảo, chuyên dùng để điểu trị chứng cảm mạo phong hàn, trên lâm sàng người bệnh: Sợ lạnh, sốt, không  ra mồ hôi, ho, khó thở. Trong bài thuốc vị Ma hoàng có tính ấm, vị cay, tác dụng  phát tán phong hàn, làm ra mồ hôi, đóng vai trò chủ dược, là quân. Quế chi trợ giúp cho Ma hoàng, tǎng cường tác dụng phát hãn, giải biểu, đóng vai trò là thẩn. Hạnh nhân có tác dụng chỉ khái, định suyễn để giải quyết triệu chứng ho và khó thở, là tá. Cam thảo có tác dụng điều  hòa các vị thuốc khác, đóng vai trò là sứ.

1.2.Vấn để gia giảm biến hóa của một bài thuốc

Trong phương pháp biện chứng luận trị của những chứng bệnh cụ thể của y học cổ truyền thì cấu tạo của một bài thuốc, bất luận là cổ phương hay tân phương đều có nguyên tắc nhất định và phạm vi chỉ định điều trị nhất định. Do vậy, các bài thuốc trong y học cổ truyền không phải là bất biến mà khi ứng dụng trên lâm sàng sẽ được điều chỉnh thay đổi tùy theo từng tình trạng bệnh lý cụ thể, gia giảm linh hoạt tùy theo thể trạng của nguời bệnh, lứa tuổi, giới tính của người bệnh, những vị thuốc thường có ở địa phương đó..

 

1.2.1. Biến hóa một bài thuốc  đã có bằng cách tǎng hay giảm các vị thuốc để tạo thành bài thuốc mới

Tạo bài thuốc mới bằng tǎng hay giảm các vị thuốc trong bài thuốc đã có được căn cứ vào tình hình triệu chứng của bệnh tật, của hội chứng bệnh cho phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng của từng người bệnh. Nhưng phải gia giảm trên cơ sở những vị thuốc chủ dược  và những vị thuốc hỗ trợ của bài thuốc vẫn là hạch tâm được duy trì.

Ví dụ:  Bài thuốc Ma hoàng  thang với tác dụng  chủ yếu là để phát hãn giải biểu, chữa chứng cảm mạo phong hàn người bệnh không ra mồ hôi, sợ lạnh, phát sốt, khó thở. Nếu trên lâm sàng xuất hiện triệu chứng vật vã, chất lựỡi đỏ rêu lưỡi vàng,.. là bệnh đã vào lý, phải gia thêm các vị Thạch cao để thanh nhiệt, trừ phiền và Sinh khương, Đại táo để điều hòa dinh, vệ và chuyển tên gọi là bài “Đại thanh long thang’.

1.2.2. Biến hóa  một bài thuốc đã có bằng cách thay đổi sự phối ngũ của các vị thuốc để tạo thành bài thuốc  mới

Vị thuốc đóng vai trò quân (chú dược) trong bài thuốc  không thay đổi, nhưng các vị thuốc phối  ngũ với vị quân thay đổi, sē làm tác dụng chữa bệnh của bài thuốc  cũng sẽ thay đổi theo. Ví dụ: Bài “Tả kim thang” gồm có Hoàng liên vị đắng, tính lạnh có tác dụng thanh nhiệt ở vị phối ngũ với Ngô thù vị cay tính ấm để chỉ nôn và điều trị triệu chứng ợ hơi, ợ chua trong bệnh Vị quản thống (viêm-loét dạ dày, hành tá tràng). Nếu Hoàng liên lại phối ngũ với bắc Mộc hương, có tác dụng hành khí ở trung tiêu, chữa triệu chứng đầy bụng, mót rặn thì lại chuyển tên gọi là bài“Hương liên hoàn”  để chữa chứng lỵ.

1.2.3. Biến hóa của bài thuốc đã có bằng phương pháp thay đổi liều luợng của các vị thuốc để tạo thành bài thuốc mới

Một số bài thuốc, cùng do một số vị thuốc tạo thành, nếu có sự thay đổi liều lượng của vị thuốc trong bài, thì tác dụng chủ yếu của bài thuốc này cūng có sự thay đổi,  các bài thuốc có thể mang tên khác nhau và tác dụng chữa bệnh khác nhau.

Ví dụ: Ba bài thuốc:Tiểu thừa khí thang, Hậu phác tam vật thang, Hậu phác đại hoàng thang đều do 3 vị thuốc: Đại hoàng, Hậu phác, Chỉ thực tạo thành, nhưng liều lượng từng vị trong mỗi bài có thay đổi khác nhau, nên tác dụng giữa chúng cũng có khác nhau:

Bài thuốc     Đại hoàng    Hậu phác     Chỉ thực       Tác dụng

Bài thuốc Đại hoàng Hậu phác Chỉ thực Tác dụng
Tiểu thừa khí thang 16g (quân) 8g (thần) 12g (tá) Tả nhiệt, nhuận tràng
Hậu phác tam vật thang 8g (tá) 32g (thần) 12g (quân) Trướng mãn, táo bón
Hậu phác đại hoàng thang 20g (quân) 20g (quân) 12g (thần) Tràn dịch màng phổi, màng tim

 

1.2.4. Biến hóa của bài thuốc bằng cách thay đổi dạng thuốc để tạo thành bài thuốc  mới

Bài thuốc thường được dùng theo dạng bào chế khác nhau tùy thuộc vào tình hình bệnh tật và yêu cầu điều trị của từng giai đoạn bệnh nhưng thường trên một nguyên tắc chung. Bệnh cấp tính, bệnh nặng…thường dùng dưới dạng thuốc sắc. Đối với các bệnh mạn tính…thường dùng dưới dạng viên hoàn. Hay ở giai đoạn củng cố kết quả chữa bệnh… thường dùng dưới dạng thuốc tán, hoàn, rượu thuốc…

Ví dụ: Bài thuốc Lý trung hoàn có công dụng để chữa trung tiêu hư hàn, nếu dùng thang thuốc sắc lại có công dụng chữa hung  tý do thượng tiêu hư hàn được gọi là Nhân sâm thang. Bên cạnh đó cũng có những trường hợp ngoại lệ, như “An cung ngưu hoàng hoàn”,”Tử  tuyết đan”,“Chí bảo đan”…lại thường được sử dụng trong cấp cứu.

Leave Comments

0904151152
0904151152